Diễn đàn "Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững" được Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc - UNDP và Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 diễn ra vào trung tuần tháng 4 tại Hà Nội.
Trong bài trình bày tại diễn đàn, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh: Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 ban hành năm 2021 xác định 4 nhóm mục tiêu: Cường độ phát thải trên GDP so với 2014 giảm ít nhất 15%, đến năm 2030 và 30% đến năm 2050; Xanh hóa các ngành kinh tế; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu; Hướng đến cam kết phát thải ròng bằng 0 tại COP 26.
Còn tại Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, ban hành năm 2020, chủ đề tổng thể có thể kể đến việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu tăng trưởng xanh; Truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức; Phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh; Huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh; Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Hội nhập và hợp tác quốc tế; Bình đẳng trong chuyển đổi xanh; Quản lý chất thải; Tiêu dùng và mua sắm xanh, bền vững. Các ngành ưu tiên phát triển gồm năng lượng; công nghiệp; Giao thông vận tải; Xây dựng; Nông nghiệp và nông thôn; Quản lý chất lượng không khí; Quản lý tài nguyên nước, tài nguyên đất và đa dạng sinh học; Kinh tế biển xanh; Y tế; Du lịch…
Theo TS Võ Trí Thành, du lịch càng cần chuyển đổi "xanh" bởi đây là lĩnh vực dịch vụ đỉnh cao trong phục vụ trực tiếp con người. Do đó đòi hỏi xanh - trách nhiệm xanh - tương tác xanh trong lĩnh vực du lịch là điều cần thiết.
Khảo sát năm 2022 của Expedia Group cho thấy, 90% du khách lựa chọn du lịch bền vững, đặc biệt là chuyến đi giảm "dấu ấn" ảnh hưởng đến môi trường, giúp hỗ trợ kinh tế và phát triển văn hóa địa phương, có cơ hội khám phá các điểm đến mới.
Nỗ lực "xanh hóa" du lịch từ ứng xử, đến cung sản phẩm và cả hệ sinh thái là những điều du lịch Việt Nam đang hướng tới. Ứng xử có thể kể đến hành vi tương tác, câu chuyện, truyền thông và marketing, thống kê, dữ liệu du lịch… Sản phẩm du lịch bao gồm đất trời, thiên nhiên do tạo hóa ban tặng; Lịch sử, văn hóa - "Tài sản" con người tạo ra - công nghệ cùng ý tưởng sản phẩm và chất lượng dịch vụ cung ứng… Hệ sinh thái bao gồm lữ hành - lưu trú - các dịch vụ hỗ trợ như vận tải, ăn uống, logistics; bảo hiểm...).
Trong nỗ lực "xanh hóa" du lịch, con người đóng vai trò trung tâm cùng sự tham gia của tất cả các bên liên quan cùng sự tương tác và phản hồi từ thị trường, du khách thông qua công nghệ số.
Theo TS Võ Trí Thành, đây là một quá trình đầy thách thức bởi nó bao gồm nhận thức (truyền thông); Năng lực cạnh tranh, quản trị theo mô hình kinh doanh mới, công nghệ, đầu tư, nhân lực và kỹ năng; Cải cách thể chế, hoàn thiện chính sách, phát triển hạ tầng, giáo dục - đào tạo, thúc đẩy sáng tạo; Nỗ lực quốc gia và hợp tác quốc tế.
Trong bài phát biểu của mình, TS TS Võ Trí Thành cũng giới thiệu khung Phát triển du lịch bền vững ASEAN trong đó có mục tiêu chiến lược, nguyên tắc chỉ đạo, trụ cột then chốt và nhân tố xuyên suốt như một gợi ý chính sách cho du lịch Việt Nam.