Cuộc chiến Syria từ xung đột ở trong nước đã dần bùng phát thành một thảm họa mang tính quốc tế dính đến hầu hết các nước lớn.
Báo Washington Post nêu ra 6 câu hỏi và trả lời, giải thích vì sao cuộc chiến này trở nên phức tạp như vậy, và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Chiến sự Syria khởi đầu thế nào?
Nhiều khu vực của Syria tan hoang vì xung đột. |
Bất ổn ở Syria xuất phát từ một khởi điểm. Vào tháng 3/2011, các cuộc biểu tình ôn hòa lan khắp Syria như một phần của phong trào nổi dậy Mùa xuân Ảrập. Các nhà tổ chức kêu gọi Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành cải cách dân chủ nhưng chính phủ lại đáp trả bằng chiến dịch trấn áp bạo lực.
Điều này khiến một số thủ lĩnh biểu tình liên kết với các quan chức quân sự Syria đào tẩu, lập ra tổ chức Quân đội Syria Tự do nhằm lật đổ chính phủ. Vào năm 2012, cuộc đấu tranh vũ trang biến thành một cuộc nội chiến toàn diện.
Nội chiến Syria biến thành khủng hoảng quốc tế như thế nào?
Syria đóng vai trò quan trọng trong tham vọng quyền lực của Iran trong khu vực. Vì vậy, khi Tổng thống Assad dường như bị đe dọa thì Tehran quyết định can thiệp để hỗ trợ ông. Hezbollah - một đảng chính trị Lebanon và là đồng minh thân cận của Iran – cũng vậy.
Cùng lúc, các đối thủ của Iran trong khu vực, trong đó có Qatar, Ảrập Xêút và Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu gửi vũ khí và tiền của cho các lực lượng nổi dậy chống Assad, trong đó có các phiến quân cực đoan.
Chiến sự ở Syria khiến hàng trăm ngàn người chết và hàng triệu người vô gia cư. |
Vì sao Mỹ dính vào?
Mỹ không muốn vướng sâu vào Syria nhưng nước này đã hành động vì hai lý do:
Thứ nhất, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt đầu phát triển chân rết ở Syria vào năm 2013. Năm sau đó, Mỹ thành lập một liên quân quốc tế chống IS bằng những cuộc không kích.
Rốt cuộc, Mỹ đành phải cử bộ binh tới cuộc chiến, và khoảng 2.000 lính Mỹ hiện đang được triển khai tại đó. Mỹ cũng từng trừng phạt Tổng thống Assad, với cáo buộc quân đội chính phủ Syria sử dụng các vũ khí hóa học như sarin và chlorine.
Nga đang làm gì ở Syria?
Nga từ lâu là đồng minh của chính quyền Assad. Theo một học giả, Nga đã giúp xây dựng quân đội Syria hiện đại, và ông Assad là một trong những đồng minh mạnh nhất của Nga ở Trung Đông.
Với sự yểm trợ của Nga, quân đội chính phủ Syria đã chiếm lại được nhiều khu vực từ tay quân nổi dậy. |
Nga thường vô hiệu hóa hành động quốc tế nhằm vào Syria bằng cách phủ quyết các đề xuất được đem ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Moscow còn làm đổi hướng cuộc chiến ở Syria bằng quyết định tham gia quân sự vào năm 2015 giúp ông Assad giành lợi thế.
Cuộc sống của người Syria ra sao?
Có thể gói gọn bằng cụm từ: ác mộng. Kể từ khi bắt đầu xung đột, hơn 465.000 người Syria phải bỏ mạng, hơn một triệu người bị thương và 12 triệu người - chiếm quá nửa dân số quốc gia này - phải rời khỏi nhà cửa của mình. Hơn 5,5 triệu người đã ra nước ngoài xin tị nạn.
Chiến sự ở Syria biến cuộc sống của người dân nước này thành ác mộng. |
Mỹ phản ứng trước tấn công vũ khí hóa học?
Năm 2012, Tổng thống Barack Obama gọi việc sử dụng vũ khí hóa học là "ranh giới đỏ" mà sẽ dẫn tới can thiệp quân sự.
Nhưng khi một vụ tấn công khí sarin ở Đông Ghouta, ngoại ô Damascus, làm khoảng 1.400 người chết, một năm sau đó, theo đánh giá của chính phủ Mỹ, ông Obama lại không quyết định tấn công.
Thay vào đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra lệnh cho Tổng thống Assad hủy kho vũ khí hóa học và ký Công ước Vũ khí Hóa học (cấm các nước sản xuất, tàng trữ hoặc sử dụng vũ khí hóa học).
Trẻ em đang được điều trị sau vụ tấn công công nghi dùng vũ khí hóa học ở Syria. |
Nhưng vẫn xuất hiện một số thông tin về tấn công vũ khí hóa học kể từ đó. Đặc biệt nhất là ngày 4/4/2017, khi gần 100 người chết ở thị trấn Khan Sheikhoun thuộc miền bắc Syria trong một vụ tấn công khí độc sarin. Những hình ảnh tang thương loan truyền khiến cả thế giới rúng động và ít ngày sau đó, ông Trump hạ lệnh tấn công tên lửa Tomahawk vào một căn cứ quân sự Syria.
Đây là vụ tấn công trực tiếp đầu tiên của Mỹ vào chính phủ Syria, nhưng dường như không ngăn cản được ông Assad.
Điều gì tiếp theo?
Ít ngày trước, chính quyền ông Assad lại bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường ở Đông Ghouta, một thành trì nổi dậy mà chính phủ đã bao vây nhiều ngày để chiếm lại. Tổng cộng 44 người chết.
Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump dọa sẽ dùng vũ lực để đáp trả. Nhưng hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra và xảy ra như thế nào?
Thanh Hảo
Loạt vũ khí có thể lập tức tấn công Syria theo lệnh ông Trump
Cùng với một loạt tài sản khác như chiến cơ và tàu ngầm, hai tàu khu trục Mỹ được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk đã vào vị trí, sẵn sàng tấn công Syria.
Xem tàu siêu tốc diệt hạm Nga có thể điều tới Syria
Giới phân tích phỏng đoán, Nga có thể điều tàu siêu tốc diệt hạm, có tên lửa dẫn đường lớp Bora tới giúp Syria đối phó với những mối đe dọa.
Syria sẵn sàng nghênh chiến phương Tây ra đòn
Syria đã áp dụng các biện pháp đề phòng trên toàn quốc, bỏ trống một số căn cứ không quân để giảm thiểu thiệt hại nếu bị Mỹ và các nước đồng minh tấn công.
Tàu ngầm Anh vào vị trí tấn công, Syria sẵn sàng trực chiến
Cả thế giới đang hướng về Syria sau khi Thủ tướng Anh được cho là yêu cầu các tàu ngầm vào vị trí đặt Syria trong tầm tấn công của tên lửa.
Tàu chiến 'chết chóc' Mỹ có thể dùng đánh Syria
Tàu sân bay, từng góp phần tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đang tiến về Trung Đông khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa không kích Syria.