1. Vùng nào ở nước ta số lượng nam giới nhiều hơn phụ nữ?

  • Lào Cai
  • TPHCM
  • Hà Nội
Chính xác

Theo số liệu sơ bộ do Tổng cục Thống kê công bố, năm 2023, tỷ số giới tính (tính bằng số nam/100 nữ) ở nước ta là 97,7/100. Nghĩa là số lượng nam giới ít hơn phụ nữ.

Tuy nhiên tại Lào Cai, đàn ông lại nhiều hơn phụ nữ. Cụ thể, tỷ số này là 104/100, con số này tương đương với mức chung trong 4 năm qua ở tỉnh này.

Kiên Giang và Bình Dương là 2 tỉnh có nam giới nhiều hơn nữ, lần lượt có tỷ số là 103,6 và 103,2.

2. Vùng nào trên cả nước có mức chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh cao nhất?

  • Đồng bằng sông Hồng
  • Trung du và miền núi phía Bắc
  • Đông Nam bộ
  • Bắc Trung bộ
Chính xác

Tỷ số giới tính khi sinh theo số liệu sơ bộ năm 2023 ở Việt Nam là 111,8 bé trai/100 bé gái sinh ra sống.

Hiện vùng địa lý có mức chênh lệch cao nhất là Trung du và miền núi phía Bắc, tỷ số là 115,3. Năm 2022, con số này là 113,4.

Đồng bằng sông Hồng đã "lùi" xuống thứ 2 với 113,2/100; giảm 1,9 điểm phần trăm so với năm trước đó.

Vùng đang có tỷ số giới tính khi sinh tiệm cận mức tự nhiên là đồng bằng Sông Cửu Long: 107,9/100.

3. Người dân vùng nào đẻ ít nhất nước?

  • Đông Nam Bộ
  • Đồng bằng sông Cửu Long
  • Đồng bằng sông Hồng
Chính xác

Theo số liệu mới nhất, năm 2023, tổng tỷ suất sinh (TFR - tức là số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) của cả nước là 1,96 con. TFR là chỉ số phản ánh mức sinh của một địa phương, vùng, đất nước.

Trong đó, vùng có TFR thấp nhất cả nước là Đông Nam bộ (như Bình Dương, TPHCM, Đồng Nai...): 1,47 con. Tiếp theo là Đồng bằng sông Cửu Long 1,54 con; Đồng bằng sông Hồng 2,08 con. Trung du và miền núi phía Bắc (như Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Điện Biên...) là nơi có TFR cao nhất: 2,32 con.

Tính theo địa phương, tỉnh có mức sinh cao nhất là Quảng Bình với 2,79 con/phụ nữ; tiếp theo là Lào Cai: 2,73 con; Hà Tĩnh: 2,72 con.

Nơi có mức sinh thấp nhất là TPHCM với 1,32 con. Trong 3 năm gần đây, mức sinh của TPHCM chưa khi nào vượt quá 1,5 con. Địa phương này liên tục nằm trong nhóm các tỉnh/thành có mức sinh thấp nhất nước trong nhiều năm.

Cần Thơ có mức sinh 1,44 con, theo số liệu sơ bộ năm 2023. 

Đồng Nai, Hậu Giang có mức sinh 1,52 con/phụ nữ.

Như vậy, mức chênh lệch TFR giữa tỉnh cao nhất và thấp nhất ở nước ta lên tới 1,47 con (2,79-1,32). Điều này có nghĩa là phụ nữ ở Quảng Bình sinh nhiều hơn gấp đôi so với phụ nữ TPHCM.

4. Địa phương nào có tuổi thọ cao nhất cả nước?

  • TPHCM
  • Hà Nội
  • Đà Nẵng
Chính xác

Năm 2023, tuổi thọ người dân Việt Nam bật tăng mạnh, từ 73,7 lên 74,5 tuổi. Trong đó, người dân thành thị có tuổi thọ trung bình là 76,8; nữ giới Việt Nam sống lâu, đạt mức 77,2 trong khi nam giới là 72,1.

Tính theo vùng, Đông Nam bộ là nơi người dân sống lâu nhất với tuổi thọ trung bình là 76,3. Tây Nguyên tuổi thọ của người dân chỉ đạt 72.

Trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, Hà Nội là địa phương có tuổi thọ người dân cao nhất, 76,1 tuổi. Mức chung của vùng này là 75,7 tuổi.

Người dân Đà Nẵng có tuổi thọ trung bình đạt 76,3 tuổi, cao nhất khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Kon Tum là nơi người dân có tuổi thọ chỉ đạt 69,7 tuổi, thấp nhất cả nước.

Người dân TPHCM có tuổi thọ cao nhất nước, 76,5 tuổi; bám sát là Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai, lần lượt là 76,4 và 76,3 tuổi.

5. Nơi nào đông dân nhất, mật độ dân số cao nhất cả nước?

  • Hà Nội
  • Bắc Ninh
  • Vĩnh Phúc
  • TPHCM
Chính xác

Năm 2023, dân số nước ta đạt 100,3 triệu người; mật độ dân số trung bình là 303 người/km2.

Dân số TPHCM năm 2023 là gần 9,5 triệu người. Mật độ dân số trung bình là 4.513 người/km2, gấp 5 lần mức chung vùng Đông Nam bộ và gấp 15 lần mức trung bình cả nước.

Xếp thứ 2 là Hà Nội, với dân số hơn 8,5 triệu người, mật độ dân số Thủ đô là 2.556 người/km2, gấp 2,4 lần mức chung khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Bắc Ninh là địa phương đứng thứ 3 cả nước về mật độ dân số. Nơi đây có hơn 1,5 triệu dân nhưng mật độ lên tới 1.844 người/km2, cao gấp 6 lần mức chung cả nước.