Hiện nay, cách thức mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng cũng khá đa dạng: Người tiêu dùng có thể mua sắm qua các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc qua mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo… Mua sắm online là phương thức mua chóng, dễ dàng tiếp cận thông tin, so sánh giá cả, tiết kiệm thời gian…
Tuy nhiên, hình thức mua sắm này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tiêu dùng vì không thể nhìn trực tiếp sản phẩm để đánh giá về hình dáng, màu sắc và chất lượng của sản phẩm. Rủi ro đầu tiên mà người tiêu dùng gặp phải là hàng hóa nhận được không giống với quảng cáo.
Mời quý vị nghe các phân tích, tư vấn của chuyên gia liên quan tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng tại đây:
Cũng như nhiều người tiêu dùng khác, chị Lê Thị Hằng ở Nguyễn Cơ Thạch, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội đã dở khóc dở cười với việc mua hàng online khi chất lượng khác xa hàng quảng cáo nhưng không thể trả hàng, đổi hàng do người bán đã chặn số, khoá facebook không thể liên hệ.
Kể từ khi dịch vụ thương mại điện tử phát triển thì việc mua hàng online đối với chị Nguyễn Thu Trang ở Cầu Giấy, thành phố Hà Nội đã trở thành một thói quen. Chỉ cần một cái click chuột là có thể mua sắm ở khắp mọi nơi. Nhưng sau không ít lần bị dính "cú lừa" khi mua hàng qua mạng nên nếu mua được hàng online có chất lượng bằng 70% so với quảng cáo, chị Trang đã cho là thành công.
Một vấn đề cũng cần phải được nhắc tới là các nghệ sĩ, những người nổi tiếng hiện nay cũng thường xuyên livestream hoặc quay clip quảng cáo bán hàng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chất lượng thực tế cũng không như quảng cáo. Nghệ sĩ Quyền Linh đã phải gửi lời xin lỗi khán giả vì quảng cáo thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Diễn viên Ốc Thanh Vân cũng bị tố bán hàng kém chất lượng. Nghệ sĩ Hồng Vân xin lỗi khán giả vì quảng cáo thổi phồng công dụng một loại thực phẩm chức năng, khiến mọi người bức xúc...
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Hiện nay chúng ta có những hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, như luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đối với mua bán hàng online thì có Luật thương mại điện tử. Đối với các sàn thương mại điện tử, pháp luật có quy định chặt chẽ về việc thành lập cũng như quản lý. Những sai phạm trên các sàn thương mại lớn như Shopee, Lazada, Tiki, do có sự quản lý tương đối chặt của cơ quan nhà nước nên cũng dễ phát hiện và xử lý.
Tuy nhiên, theo luật sư Đặng Văn Cường việc kinh doanh qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, ở Việt Nam vẫn đang có các lỗ hổng về pháp lý. Việc người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xảy ra chủ yếu trên mạng xã hội. Chính vì vậy các cơ quan quản lý cần phải tạo ra hành lang pháp lý, quản lý chặt chẽ hơn và quy rõ trách nhiệm của bên bán và trung gian nền tảng mạng xã hội để bảo về quyền lợi người tiêu dùng.
Về phía người tiêu dùng, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần trang bị những kiến thức, kỹ năng để có thể thực hiện các giao dịch thương mại điện tử. Theo ông Hiếu, trước tiên, cần lựa chọn những nhà sản xuất, địa chỉ bán hàng có uy tín. Hàng có giá trị lớn cần mua theo cách "sờ tận tay, nhìn tận mắt". Người tiêu dùng hãy tự bảo vệ mình trước khi nhờ đến sự bảo vệ của cơ quan quản lý.
(Theo VOV)
Các thủ đoạn tinh vi lừa đảo trong thanh toán số
Lợi dụng hoạt động mua sắm trực tuyến gia tăng trong thời điểm dịch COVID-19, các đối tượng tội phạm mạng đã sử dụng những sơ hở trong quá trình thanh toán số của ứng dụng mua sắm trực tuyến, sự bất cẩn của người dân để lừa đảo...