Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản chấp thuận về việc nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 cho một số ngân hàng thương mại trong nước.

Theo đó, trong đợt cấp tăng trưởng tín dụng lần này, NHNN chấp thuận cho một số ngân hàng được điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên tới 14-15%, thay vì mức cao nhất là 10-12% được cấp ban đầu.

Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) được chấp thuận điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 8,5% lên 12,1% cho cả năm nay. Còn MBBank cũng được đồng ý mức dư nợ tín dụng tối đa đến hết năm 2021 từ 10,5% lên 15%.

{keywords}
Một số ngân hàng được nới room tín dụng (Ảnh minh họa)

Các ngân hàng được nới room tín dụng lần này đa phần là những ngân hàng đã đáp ứng tốt chuẩn Basel II, một số đã bước sang lộ trình Basel III. Những ngân hàng này cũng nằm trong nhóm ngân hàng luôn tiên phong trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng lần này xây dựng kế hoạch và kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch kinh doanh của ngân hàng.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần thực hiện tốt các giải pháp về hoạt động tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn hệ thống và góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Các nhà băng cần phải kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với năng lực quản lý rủi ro, khả năng huy động vốn, đảm bảo cân đối đủ nguồn vốn để cấp tín dụng, tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay.

Cùng với đó, NHNN cũng lưu ý các ngân hàng cần chấp hành các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn, giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, ngoại hối, quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu...

Mặt khác, NHNN cũng yêu cầu các nhà băng cần tập trung tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Đặc biệt, các ngân hàng cũng phải kiểm soát chặt chẽ và hạn chế cấp tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán...; giảm dần tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực bất động sản; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ cho vay ngoại tệ...

Trước đó, tại cuộc họp giữa Hiệp hội Ngân hàng và các tổ chức tín dụng về việc giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được tổ chức vào ngày 12/7, một số ngân hàng thương mại đã kiến nghị được cấp thêm room tín dụng trong những tháng cuối năm để ngân hàng có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt hơn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết, đầu năm, Vietcombank được giao hạn mức tín dụng là 10% nhưng đến nay đã tăng trưởng 9%. Do đó, việc được nới "room" là cần thiết để ngân hàng này tiếp tục hỗ trợ khách vượt qua khó khăn

Một số ngân hàng khác như BIDV, SHB, TPBank, LienVietPostBank… cũng có kiến nghị được nới room tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm nay.

Về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng nhà nước ,cho biết, NHNN sẽ tiếp nhận và xử lý đề xuất nới, cấp thêm ‘room’ tín dụng mới cho các ngân hàng sử dụng hết chỉ tiêu.  Dựa trên kiến nghị của các ngân hàng, NHNN sẽ tiến hành đánh giá và đưa ra định mức phù hợp cho mỗi tổ chức tín dụng. Việc này cũng tiến hành tương tự như mọi năm, khi nào có ngân hàng yêu cầu, đề xuất sẽ được xử lý.

Còn ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho hay, NHNN xem xét cách giao chỉ tiêu tín dụng hàng năm. Đặc biệt, với các ngân hàng đã áp dụng tốt Basel II và Basel III nên được tạo thuận lợi khi cấp room tín dụng.

Đầu năm nay, NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 12% và sẽ được phân bổ hạn mức cụ thể xuống từng nhà băng, tùy vào năng lực hoạt động trong năm 2021.

Song song đó, NHNN cũng giao chỉ tiêu tín dụng lần một đến các tổ chức tín dụng trong hệ thống. Theo đó, nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” tín dụng năm nay là 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Một số ngân hàng thương mại cổ phần như VIB, ACB, Sacombank được giao hạn mức tín dụng là 8,5-9,5%. Còn hạn mức tín dụng của MBBank, VPBank, Techcombank là 10,5-12%.

Có thể thấy, mặt bằng "room" tín dụng được NHNN cấp cho các tổ chức tín dụng năm nay thấp hơn năm trước. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm nay, tín dụng toàn ngành ngân hàng đã tăng 5,1%. Từ tháng 4, một số ngân hàng như Sacombank, HDBank, ACB, SeABank đã tiệm cận room tín dụng được giao.

Anh Tuấn

Ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ tháng 7/2021

Ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ tháng 7/2021

Các ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn. Đợt giảm lãi suất lần này sẽ tập trung vào các doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19.