Cơn sốt món lạ
Để có chỗ ngồi tại quán lẩu này, khách hàng phải đặt qua điện thoại từ vài tuần trước đó. Nếu tới trực tiếp cửa hàng khách cũng phải chờ đợi, hoặc đi từ rất sớm. Nguồn gốc thương hiệu lẩu này là từ Trung Quốc, đã có mặt tại TP.HCM và mới đây là Hà Nội.
Không chỉ là một nhà hàng lẩu với các món ăn ngon, thương hiệu lẩu trên thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách hàng nhờ dịch vụ chu đáo. Trong lúc chờ đợi, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ miễn phí như đồ ăn nhẹ, làm móng. Thậm chí, ở các nước, khách hàng còn được massage lưng, đánh giầy,... Tuy nhiên, những dịch vụ này chưa thấy xuất hiện tại Việt Nam.
Giới trẻ Việt Nam cuồng với món mới |
Các tín đồ ẩm thực trong nước thường thích trải nghiệm những thương hiệu mới đến từ nước ngoài, bất chấp thời tiết. Trong ngày khai trương một cửa hàng bánh của Mỹ, lần đầu có mặt tại Việt Nam, hàng nghìn người Sài Gòn đã xếp hàng chờ mua và thưởng thức nhãn hiệu fast-food này dưới cái nắng chói chang. Họ xếp hàng không đơn thuần mua fast-food. Họ tìm kiếm và tận hưởng một phong cách thời thượng lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Tương tự như vậy, đối với trà sữa, nhiều giới trẻ cũng từng xếp hàng dài, chờ hàng tiếng đồng hồ để có được những cốc trà đầu tiên nhân dịp khai trương. Dòng người chờ đợi rất đông, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Nhiều thực khách phải chờ cả tiếng đồng hồ mới vào được bên trong cửa hàng.
Cơn sốt xếp hàng, chờ được thưởng thức đồ ăn của giới trẻ cho thấy, Việt Nam vẫn đang là thị trường đầu tư "màu mỡ" cho các đơn vị kinh doanh F&B. Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam được xếp vào một trong những nhóm nước có dân số trẻ, có xu hướng thích ăn ngoài, đã và đang trở thành thị trường lớn đầy tiềm năng cho ngành F&B.
Nielsen tính toán, năm 2022, Việt Nam có khoảng 33 triệu người được xếp vào tầng lớp trung lưu thành thị và sẽ tăng lên 95 triệu người vào năm 2030. Tầng lớp trung lưu bao gồm các hộ gia đình có mức chi phí tiêu dùng trên 15 USD/người/ngày, trong đó, 30-40% thu nhập được chi tiêu vào thức uống và thực phẩm. Điều này không chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước mà cả các ông lớn nước ngoài.
Theo thống kê của Dcorp R- Keeper Việt Nam, cả nước hiện có 540.000 cửa hàng ăn uống, trong đó khoảng 430.000 cửa hàng nhỏ, 7.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh, 22.000 cửa hàng cà phê, các quầy bar và trên 80.000 nhà hàng được đầu tư bài bản. Qua từng năm, con số này tăng lên một cách nhanh chóng và đáng kể. Năm 2017 cũng ghi nhận tăng trưởng kỷ lục của thị trường này với sự bùng nổ hàng loạt thương hiệu quốc tế.
Tới thời thoái trào
Vì là món ăn theo trào lưu nên việc kinh doanh cũng nhanh chóng “sớm nở tối tàn”, nguyên nhân do thói quen tiêu dùng của người Việt liên tục thay đổi. Đơn cử như câu chuyện trà sữa, một thời từng nổi lên đình đám khắp nơi với cảnh xếp hàng dài chờ mua, chỉ thời gian sau nhiều chuỗi cửa hàng đã âm thầm rời bỏ thị trường.
Nhiều thương hiệu rời bỏ thị trường |
Gần đây nhất, các cửa hàng và chi nhánh của chuỗi nhà hàng Món Huế đã đồng loạt đóng cửa và treo biển thông báo trả mặt bằng. Có địa điểm, Món Huế chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng dù còn 3 tháng đã trả phí, chấp nhận mất khoảng 450 triệu đồng. Trước Món Huế, hàng loạt chuỗi cửa hàng đình đám một thời cũng bất ngờ dừng hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Cuộc chiến giành thị phần trong ngành F&B chưa bao giờ hạ nhiệt. Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 1/2020, dịch Covid-19 xảy ra đã gây nên một “cơn chấn động” lớn. Đại diện một quỹ đầu tư đang nắm cổ phần tại nhiều thương hiệu ẩm thực cho biết, dù được xem là ngành tăng trưởng nhanh nhưng lĩnh vực F&B rất nhạy cảm trước các biến động kinh tế, dịch bệnh.
Hành vi mua hàng của người tiêu dùng Việt hiện dần thay đổi, cách bán hàng cũng phải nhanh chóng đổi theo, dồn lực đẩy mạnh các kênh online để có doanh thu, “sống sót” trong thời gian tới.
Theo doanh nhân Lý Quí Trung, để tồn tại và trụ vững, các doanh nghiệp cần có sách lược đối phó bài bản và quản trị khủng hoảng. Trong đó, công tác nhận diện, đánh giá, đo lường những thách thức mà doanh nghiệp sẽ gặp phải để đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời là quan trọng nhất.
Nam Việt