Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang tập trung hỗ trợ, khuyến khích nông dân đầu tư ứng dụng công nghệ trong chuyên canh cây màu để đảm bảo năng suất, chất lượng, có thu nhập ổn định trước sự biến đổi khí hậu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang, cho biết: Công nghệ đóng vai trò rất lớn vào phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0. Ngành NN-PTNT tỉnh đã huy động và tập trung các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp 4.0...

Ngoài ra, triển khai thực hiện một số đề tài nghiên cứu liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: Ứng dụng công nghệ blockchain để quản lý và truy xuất nguồn gốc cho một số cây trồng chủ lực của tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng khẩu phần và chế biến nguồn thức ăn tại chỗ cho bò thịt…

Với các mặt hàng chiến lược của tỉnh như thủy sản (tôm sú, tôm thẻ…) được triển khai nuôi theo hướng công nghệ cao; lúa, cây ăn trái sản xuất theo hướng hữu cơ; màu sản xuất trong nhà kín… Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25%.

Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, thủy sản ứng dụng công nghệ cao và quy trình sản xuất tốt (GAP) đạt trên 10% (tương đương 26.523ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp 4.0.

Xây dựng và duy trì 55 nhãn hiệu nông sản, được cấp 64 mã số vùng trồng và có 104 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP… từng bước khẳng định vị thế của sản phẩm trên thị trường. Các mô hình sản xuất có hiệu quả và mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được nhân rộng...

Ông Huỳnh Sa Rây ứng dụng công nghệ điện toán đám mây qua smartphone để gửi thông tin cập nhật chỉ số đường trên sản phẩm dưa lê trồng trong nhà kính về đơn vị liên kết thu mua.

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh đang tập trung thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của tỉnh là nâng giá trị sản xuất đất trồng trọt thêm 15 triệu đồng/ha vào năm 2025, đạt mức bình quân 145 triệu đồng/ha/năm.

Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất trồng mía, đất trồng lúa, vườn tạp với sự phân bố cụ thể về quy hoạch từng vùng sản xuất; danh mục các loại cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai; nhu cầu của thị trường và giá trị kinh tế của sản phẩm... để từng địa phương triển khai, khuyến khích nông dân tập trung chuyển đổi sản xuất.

Tỉnh đang thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Đối với hộ nông dân không có điều kiện thuận lợi chuyển đổi sản xuất được ngành nông nghiệp tỉnh ưu tiên hỗ trợ từ chính sách này để hộ nông dân có thêm nguồn vốn đầu tư mua sắm các thiết bị, máy móc, xây dựng nhà lưới, hệ thống thủy canh, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến… phục vụ cho việc chuyển đổi sản xuất đảm bảo tính hiệu quả bền vững.

Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích hộ nông dân có đất trồng lúa kém hiệu quả với diện tích chỉ từ 1.000 – 2.000 m2 nên chuyển sang chuyên trồng cây màu để phù hợp với năng lực sản xuất vừa có thu nhập nhanh cho gia đình.

Việc chuyên trồng rau màu nông dân nên có sự đầu tư sử dụng màng phủ nông nghiệp, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm nước và thực hành phương thức sản xuất nông nghiệp tốt để tạo lợi thế đầu ra sản phẩm, bán được giá cao, tăng lợi nhuận.

Đối với đất trồng lúa, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân hạn chế trồng lúa vụ 3, chuyển sang mô hình canh tác 2 lúa  - 1 màu. Đây là mô hình sản xuất an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Phương thức canh tác này làm gia tăng độ phì nhiêu cho đất, ngắt được mầm bệnh trong đất và sâu hại cho cây lúa ở 2 vụ sản xuất tiếp theo và có thêm nguồn thu nhập từ cây màu mang lại.

Theo ông Lê Văn Đông, qua hơn 2 năm thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, đến nay nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi hơn 5.600 ha đất trồng lúa sang các cây trồng khác và con nuôi thủy sản, vượt hơn 2.600 ha so với kế hoạch tỉnh đề ra.

Trong diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi, có khoảng 2.300 ha chuyên trồng rau màu thực phẩm. Qua khảo sát hầu hết diện tích đất chuyển đổi đem lại cho nông dân nguồn thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 5 – 10 lần trồng lúa.

Ông Thạch Sô Phanh, ở xã Lương Hoà, huyện Châu Thành, có 2.000 m2 đất luôn thiếu nước tưới trong mùa khô, trồng lúa cho năng suất, thu nhập thấp, thậm chí thua lỗ, nhất là trong vụ lúa Đông Xuân thường gặp khô hạn. Năm 2022, ông không trồng lúa chuyển hết sang trồng rau màu ăn lá quanh năm.

Với kỹ thuật sử dụng màng phủ nông nghiệp, có nhà lưới bao che, sử dụng hệ thống tưới phun nước tự động tiết kiệm, rau màu cho năng suất, chất lượng rau bán được giá hơn từ 15 – 20 % so rau màu trồng bình thường.

Ông Thạch Sô Phanh cho biết, việc đầu tư nhà lưới bao che, sử dụng hệ thống tưới phun nước tự động tiết kiệm, sử dụng màng phủ nông nghiệp trồng rau màu giảm được chi phí rất nhiều về công lao động, thuốc bảo vệ thực vật, lượng nước tưới.

Ưu thế lớn nữa là vào mùa mưa bão, gặp lúc mưa dầm kéo dài nhiều ngày nhờ có nhà lưới bao che rau màu không lo bị dập lá, thối rễ thiệt hại đến năng suất, chất lượng. Với kỹ thuật canh tác tiên tiến, mỗi năm gia đình ông có thu nhập ổn định từ rau màu hơn 120 triệu đồng, cao gấp 10 lần so với trồng lúa.

Ông Huỳnh Sa Rây, Tổ trưởng Tổ trồng màu công nghệ cao Lương Hòa A (xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành) cho biết: hiện tổ có 12 thành viên, diện tích 1,2ha.

Sau khi ứng dụng quy trình trồng dưa lê Hàn Quốc trong nhà kín, giúp nông dân chủ động được mùa vụ (3,5 vụ/năm) và hạn chế thấp nhất sâu bệnh, chủ động về nguồn nước, dinh dưỡng trong quá trình phát triển của cây trồng. Tính hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, bình quân 01 nhà lưới (1.000m2) người trồng thu lời từ 35 - 40 triệu đồng/vụ dưa.

Văn Cảnh Đào, Hà Ngọc Dũng, Đinh Thị ánh Tuyết, Lê Thị Thúy Hồng