Năm 2023, tỉnh Trà Vinh đặt mục tiêu tối thiểu 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến; tối thiểu 60% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được người dân, doanh nghiệp thanh toán bằng hình thức trực tuyến.
Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh giao Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công thành phố Trà Vinh, Trung tâm Hành chính công huyện cầu Ngang, Bộ phận một cửa thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp xã in, cấp phát tài liệu hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến.
Các đơn vị hướng dẫn tạo tài khoản, đăng ký tài khoản đăng nhập Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; cách nộp hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí, thuế bằng hình thức trực tuyến...
Đồng thời, các đơn vị bố trí trang thiết bị và phân công công chức, viên chức hỗ trợ hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến; chỉ đạo công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người thân thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến; kịp thời phản ánh, góp ý để hoàn thiện quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính có liên quan.
Tổ công nghệ cộng đồng tổ chức các hoạt động trực tiếp hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến, nộp phí, lệ phí, thuế trực tuyến; phấn đấu đến hết năm 2023, mỗi hộ gia đình có ít nhất một người biết cách nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện cho biết, tỉnh hiện có 1.844 thủ tục hành chính và 183 quyết định công bố thủ tục hành chính được công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; tích hợp 923 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia; trong đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến một phần đạt 26,87%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 35,45%.
Hệ thống Cổng dịch vụ công tỉnh đã kết nối với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (Bộ Tư pháp); Hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp mã số cho đơn vị có quan hệ ngân sách; Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; Hệ thống đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến; cơ sở dữ liệu về bảo hiểm của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Hệ thống của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp).
Địa phương đã hoàn thành triển khai thanh toán trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân và lĩnh vực xây dựng; kết nối Hệ thống ISO điện tử của tỉnh để đồng bộ trạng thái tiếp nhận, xử lý, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, tỉnh thực hiện tích hợp, kết nối đăng nhập một lần đối với Cổng dịch vụ công quốc gia; hoàn thành đồng bộ hồ sơ thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, giúp cho các cá nhân, tổ chức quản lý, khai thác hồ sơ thuận tiện.
Mô hình “Ngày thứ năm chuyển đổi số” được huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) áp dụng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện TTHC trực tuyến
Trước đó, để nâng cao chất lượng và hiệu quả dịch vụ công trực tuyến, UBND tỉnh Trà Vinh đã có kế hoạch hành động với 5 nhiệm vụ chính.
Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ giải pháp chuyển đổi số thuộc trách nhiệm của cơ quan, địa phương theo Kế hoạch số 37/KH-UBND ngày 18/4/2023 của UBND tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Trà Vinh năm 2023.
Thứ hai, tổ chức rà soát chuẩn hóa, hoàn thiện quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đối với tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết (theo hướng khai thác, sử dụng thành phần hồ sơ của TTHC dưới dạng điện tử được cơ quan giải quyết TTHC đang quản lý hoặc được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ), đảm bảo 100% DVC đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ toàn trình để trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định công bố; chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thiết lập chức năng Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC của tỉnh theo quy trình điện tử giải quyết TTHC đã được phê duyệt.
Thứ ba, rà soát tổ chức thực hiện đồng bộ, thông suốt quy trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết (có ký số) trên Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC của tỉnh theo quy trình điện tử đã được phê duyệt, kết hợp thực hiện nghiêm túc việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 21/07/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2022-2025.
Thứ tư, tập trung triển khai các giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC bằng hình thức trực tuyến, phấn đấu trong năm 2023, tối thiểu 50% hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến; tối thiểu 60% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được người dân và doanh nghiệp thanh toán bằng hình thức trực tuyến.
Thứ năm, tổ chức tập huấn công chức, viên chức thực hiện quy trình điện tử giải quyết TTHC trên Hệ thống Thông tin giải quyết TTHC của tỉnh; số hóa hồ sơ kết quả giải quyết TTHC; tập huấn thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Năm 2022, công tác cải cách hành chính của Trà Vinh có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022 tăng 7 bậc, xếp thứ hạng 48/61 tỉnh, thành phố cả nước và thứ hạng 9/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tăng 2 bậc, xếp thứ hạng 50/63 tỉnh, thành trong cả nước và thứ 11/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh tăng 6 bậc, xếp thứ hạng 19/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và thứ hạng 2/13 tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. |