Huyện Tam Đường ngày nay, tiền thân huyện Phong Thổ trước đây, là huyện vùng cao biên giới có diện tích tự nhiên hơn 66.292 ha, có 13 xã, thị trấn, với 126 bản, gồm 12 dân tộc và trên 5,7 vạn người sinh sống.

Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới có thể khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời, “ý Đảng phù hợp lòng dân”, đã tạo ra động lực mới thay đổi cơ bản, toàn diện bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ở huyện vùng cao Tam Đường.

W-Daochin.png
Những trái đào chín sớm đang chuẩn bị được bà con nông dân huyện Tam Đường thu hoạch

Khi chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai ngay từ những ngày đã được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, tạo ra một phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Tuy kết quả đạt được ở mỗi địa phương là khác nhau, nhưng về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2011-2020 đó là: sản xuất phát triển; đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn từng bước được hoàn thiện, phù hợp, theo hướng hiện đại; chất lượng giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ; vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn được cải thiện rõ rệt; bản sắc văn hoá được giữ gìn và phát triển; trình độ dân trí, dân chủ nông thôn được tăng cường; hệ thống chính trị ở cơ sở được quan tâm củng cố xây dựng; quốc phòng, an ninh ổn định và giữ vững.

Bước sang nhiệm kỳ 2020-2025, Tam Đường cũng xác định rõ 2 chương trình trọng điểm, đó là: Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, huyện Tam Đường đã ưu tiên lồng ghép các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch. Huyện Tam Đường đã thành lập Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021-2025. Các thành viên trong Ban chỉ đạo được phân công nhiệm vụ cụ thể, phụ trách theo địa bàn, lĩnh vực, tiêu chí.

Theo kế hoạch, Giai đoạn 2021-2025, huyện Tam Đường sẽ công nhận thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó năm 2021, Khun Há đã đạt chuẩn NTM. Đến hết năm 2025, toàn huyện có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 100%. Công nhận 60,6% thôn bản của 4 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn thôn bản nông thôn mới theo Bộ tiêu chí do UBND tỉnh quy định. Công nhận 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 8,3%. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Từ những ngày đầu không ít người còn chưa hiểu nông thôn mới là gì thì đến nay, nông thôn mới đang hiện hữu ngay trên mảnh đất khó khăn năm xưa. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào thi đua sâu rộng với khí thế mạnh mẽ từ khắp các bản làng xa xôi cho đến trung tâm các xã và trung tâm huyện lỵ, người người, nhà nhà và cả hệ thống chính trị tham gia chung tay xây dựng nông thôn mới.

Với tinh thần đó, việc tiếp tục huy động nguồn vốn của Nhà nước, sự đóng góp công sức của người dân, cũng như huy động các nguồn xã hội hóa cho chương trình này trong giai đoạn tiếp theo để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu vẫn là việc rất cần thiết.

Xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc và có thể nói đây là sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng và nhân dân ta. Để tiếp tục củng cố và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, trong thời gian tới, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy có hiệu quả sự tham gia của MTTQ, các đoàn thể và sự đồng thuận của người dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới ở Tam Đường.