- Có công ty nước ngoài tính toán, nhờ nộp thuế điện tử họ đã tiết kiệm được 60 tỷ đồng/năm. Nhưng, vẫn có không ít doanh nghiệp e dè, ngần ngại vì sợ... không an toàn.

Lợi hàng chục tỷ

Sống và kinh doanh ở Việt Nam 17 năm, ông Pawlit Amornwanit, Phó Tổng giám đốc tài chính Công ty chăn nuôi CP Việt Nam, chia sẻ: "Vài năm trước, cứ khi đến kỳ kê khai hay nộp thuế là thấy mệt mỏi. Nhanh nhất là mất một ngày chuẩn bị làm báo cáo hồ sơ, nhập số liệu,... một ngày đi lại tới chi cục thuế để giao dịch. Có những lúc, sai sót xảy ra, không biết lỗi bên nào, chúng tôi cãi lộn với cả nhân viên cơ quan thuế".

"Nhưng bây giờ, kế toán của chúng tôi chỉ cần ngồi tại văn phòng, click chuột vài cái là nộp thuế xong. Nếu sai sót xảy ra thì có thể truy vết tích trong quá trình kê khai điện tử này", ông Pawlit Amornwanit kể.

{keywords}

Phòng giao dịch thuế của Cục thuế TP HCM giờ vắng tanh vì kê khai và nộp thuế đa phần là điện tử

Vị CEO người Thái so sánh: "Trước, mỗi chi nhánh của chúng tôi mất 5 người cho việc nộp thuế thì giờ, chỉ cần một người. Trước, mỗi tháng phải in 1.000 tờ khai, tức một năm tới 12.000 tờ khai thì giờ, không mất tờ giấy nào. Cộng công tác phí đi lại, đặc biệt với các nhà máy ở vùng sâu thì ước tính, chi phí mà chúng tôi tiết kiệm được khi nộp thuế điện tử lên tới 60 tỷ đồng".

Ông khẳng đinh, với một doanh nghiệp FDI có tới 60 mã số thuế và mỗi năm nộp thuế khoảng 15 triệu USD thì việc Việt Nam cải cách mạnh mẽ sang môi trường phi giấy tờ như hiện nay là rất quan trọng.

Không có quy mô lớn như CP Việt Nam song nộp thuế qua mạng cũng giúp Công ty Cao su Đồng Phú (Bình Phước) tăng hiệu suất làm việc của bộ phận kế toán gấp 2-3 lần.

Phó Tổng giám đốc Công ty, cũng từng là kế toán trưởng, ông Nguyễn Thanh Bình, tỏ ra rất tâm đắc khi cho hay: "Công ty có 11 nông trường, hạch toán báo sổ nên chúng tôi thường xuyên phải đi lại, mang chứng từ về tập trung ở công ty. Phòng kế toán phải cử một nhân sự chuyên trách việc kê khai, nộp thuế. Nhưng giờ thì rất nhanh gọn, không mất công đi lại mà chỉ cần ngồi một chỗ là xong. Tác phong làm việc thay đổi theo".

Ông Cành, giám đốc Công ty cao su Giang Sơn, Phước Long, Bình Phước, cũng giãi bày: "Mỗi năm, chúng tôi nộp thuế khoảng vài trăm triệu, công ty phải chở cả bao tiền mặt, đi lại nhiều lần rất mất thời gian. Chuyển sang nộp thuế điện tử, chỉ cần ngồi một chỗ là thực hiện được giao dịch nên lợi rất nhiều".

Chưa hết nghi ngại, e dè

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hồ hởi tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử.

Theo cán bộ Cục Thuế tỉnh Bình Phước - địa bàn mà các doanh nghiệp nông lâm sản, quy mô nhỏ là chủ yếu, vẫn e ngại bởi chưa phát sinh tiền thuế đã phải đóng cả triệu bạc tiền phí chữ ký số khi nộp thuế qua mạng. Trung bình, doanh nghiệp lớn hơn có thể tốn tới 2 triệu đồng tiền duy trì chữ ký số. Nếu có 2-3 chi nhánh thì khoản phí này còn nhiều hơn nữa.

{keywords}

Nhiều DN vẫn còn thói quen giao dịch tiền mặt

Bởi vậy, tình trạng chung ở nhiều cục Thuế là doanh nghiệp đăng ký có thể lớn, đạt tỷ lệ 90%, nhưng số doanh nghiệp có giao dịch nộp thực tế còn thấp, đặc biệt ở các tỉnh vùng sâu xa; hoặc có tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình lớn.

Ghi nhận ở chi nhánh Ngân hàng Sacombank Bình Phước, 1.000 doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử nhưng chỉ 140 doanh nghiệp nộp thực tế. Còn tại Chi nhánh Ngân hàng BIDV ở Đồng Nai, mới có 552 khách hàng đăng ký nộp thuế điện tử với giá trị hơn 151 tỷ đồng.

Lý giải điều này, đại diện chi nhánh các ngân hàng trên cho rằng, nhiều doanh nghiệp đi lên từ hộ kinh doanh gia đình, nhân viên kế toán thuê bên ngoài, trong khi bản thân họ chưa có nhiều kinh nghiệm. Hoặc, nhiều doanh nghiệp nhỏ còn đắn đo vì sợ lộ bí mật tài chính. Họ lo ngại xảy ra lỗi đường truyền mạng, khi có sai sót trong giao dịch lại mất thời gian chỉnh sửa. Chưa kể, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn phổ biến.

Thậm chí, lãnh đạo chi cục thuế huyện Xuân Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho hay, chủ doanh nghiệp nhỏ còn lo sợ mất tiền khi giao cho kế toán tự chuyển tiền qua mạng.

Nói về những nghi ngại này, ông Hoàng Nguyễn Anh Vũ, Phó Giám đốc Ngân hàng Sacombank chi nhánh Bình Phước, khẳng định: "Nếu doanh nghiệp nhập sai thông tin thì chắc chắn trong vòng 2 giờ, sẽ được hoàn lại. Tới nay, chi nhánh ngân hàng cũng chưa ghi nhận trường hợp nào bị nghẽn mạng hay rò rỉ thông tin".

"Tuy nhiên, nếu ngành thuế và ngân hàng cũng tư vấn kỹ, tuyên truyền tích cực thì có thể sẽ làm thay đổi thói quen và tâm lý e ngại đó", ông Vũ nói.

Phạm Huyền