Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã tích cực hỗ trợ “Thắp sáng đường quê” tại các tuyến đường trục xã, trục thôn qua khu dân cư. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được nâng cấp, đầu tư đồng bộ theo quy hoạch; diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện, chất lượng cuộc sống tại khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao. Trong đó, hạ tầng lưới điện nông thôn đóng góp 1 vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng.

Vuthutb.png
Một góc NTM huyện Vũ Thư

 Hệ thống lưới điện của tỉnh luôn không ngừng được đầu tư xây dựng và phát triển; lưới điện trung áp và hạ áp đã phủ kín các xã, đến tận thôn xóm và các hộ dân nông thôn. Tỷ lệ đường nhánh cấp 1 trục thôn, đường trục thôn, đường qua khu dân cư tập trung chưa có đèn đường chiếu sáng còn cao (khoảng 80% tổng chiều dài các tuyến đường và ước khoảng 4.868 km). Hiện nay mới chỉ có rải rác các tổ dân cư (hoặc các hộ dân) tự lắp đặt đèn khu vực đường cạnh nhà, không theo quy chuẩn, quy định, tiềm ẩn rủi ro, mất an toàn. Chưa có tiêu chí và hướng dẫn đánh giá về điện thắp sáng trong khu dân cư trong Bộ Tiêu chí NTM. Do đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương hệ thống chiếu sáng khu vực nông thôn góp phần hoàn thành các nội dung xây dựng NTM.

HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 11/10/2021 và Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 11/10/2021 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, với nội dung: “Hỗ trợ đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng bằng đèn năng lượng mặt trời hoặc bằng điện lưới; Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% giá trị quyết toán danh mục công trình hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng/1km đường lắp đèn chiếu sáng đối với tuyến đường trục thôn, nhánh cấp I trục thôn; không quá 25 triệu đồng/1km đường lắp đèn chiếu sáng đối với tuyến đường trục xã, liên xã, đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ”.

Với cơ chế, chính sách trên, đến nay toàn tỉnh Thái Bình có 137 xã đăng ký tham gia Chương trình “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng nông thôn mới hiện đã lắp đặt được 1.169,073 km, trong đó: Có 42 xã đăng ký thí điểm thực hiện lắp đặt đèn điện năng lượng mặt trời đã lắp đặt được 101,397 km; có 95 xã đăng ký đèn điện chiếu sáng, đã lắp đặt được 305,017 km.

Chương trình “Thắp sáng đường quê” đã góp phần hỗ trợ các xã hoàn thành tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; thắp sáng toàn bộ đường qua khu dân cư tập trung (Nhánh cấp 1 trục thôn, trục thôn, trục xã, liên xã, đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ) nằm trong quy hoạch chung được duyệt của xã để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn. Ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí; phần còn lại từ thu hút, vận động các nguồn lực trong toàn xã hội cùng tham gia; quá trình thực hiện phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, người dân vừa là chủ thể thực hiện vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả đạt được. Quá trình thực hiện phải đảm bảo an toàn, mỹ quan, tiết kiệm, tránh lãnh phí, hình thức. Chính sách hỗ trợ chỉ áp dụng một lần cho cùng một tuyến đường; Các công trình điện chiếu sáng phải được thiết kế đảm bảo theo tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật do ngành điện hướng dẫn.

Việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng khu vực nông thôn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông của địa phương; góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị hóa nông thôn; tạo cảnh quan, ánh sáng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi thường xuyên vào ban đêm của nhân dân, nhất là vào dịp Lễ, Tết.