Bà Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Hưng Nguyên (Nghệ An) bị TAND huyện này tuyên phạt 5 năm tù giam vì tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điểm b, Khoản 2, điều 356 Bộ luật hình sự.  

Lý do, dù đã được thanh toán lần 1 những nội dung: Bí thư chi bộ, hỗ trợ học cao học và tập huấn, kiểm tra… nhưng bà Lê Thị Dung vẫn tiếp tục quy đổi các nội dung này ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần 2) trong các năm học 2011-2012 với số tiền 3.317.979 đồng; năm học 2013-2014 với số tiền 303.052 đồng; năm học 2014-2015 với số tiền 30.952.368 đồng; năm học 2015-2016 với số tiền 13.810.509 đồng.

Tổng số 4 lần thanh toán lần 2 là 48.383.908 đồng. Số tiền này đều được chuyển vào số tài khoản cá nhân của bà Dung tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh huyện Hưng Nguyên.

Cơ quan tư pháp Nghệ An nên đánh giá toàn diện vấn đề

Tiến sĩ luật học Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật của một trường đại học ở TP.HCM, cho rằng trước hết, cần nhìn nhận rằng bà Dung có sai ở hai việc.

(1) Ban hành quy chế chi tiêu nội bộ của một đơn vị sự nghiệp công lập nhưng thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật; (2) Quy đổi giờ đi học và các việc khác thành giờ giảng để lấy tiền phụ trội mặc dù đã được hưởng mọi quyền lợi của việc đi học, đi họp…

Như vậy, về pháp lý, hành vi sai phạm của bà Dung là rõ ràng và có căn cứ. Nếu áp dụng pháp luật hình sự để xử lý hành vi của bà Dung, có khả năng áp dụng các quy định của pháp luật hình sự liên quan đến nhóm tội phạm về tham nhũng.

Trung tâm GDNN-GDTX Hưng Nguyên. Ảnh: Quốc Huy

Quả thật, Tòa án có thẩm quyền đã áp dụng Điều 356, Bộ luật hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”. Tuy nhiên, có một quy định khác cũng có thể áp dụng là quy định tại Điều 353 Bộ Luật hình sự về “Tội tham ô tài sản”. Quy định về hai tội nêu trên có một số dấu hiệu giống nhau, có tính chất giống nhau là vì vụ lợi, lợi dụng quyền hạn của mình.

Theo ông Sơn, nếu áp dụng Điều 356 về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn”, dấu hiệu chỉ dừng lại ở việc gây thiệt hại cho nhà nước. Dấu hiệu chiếm đoạt tài sản không được đặt ra. Trong trường hợp này, bà Dung vì vụ lợi mà gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền khoảng 45 triệu đồng nhưng không có việc chiếm đoạt số tiền ấy. Đối với quy định về tội tham ô, ngoài dấu hiệu lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, còn cần thêm dấu hiệu chiếm đoạt tài sản do người phạm tội quản lý.

Trong vụ việc này, TAND huyện Hưng Nguyên đã kết luận bà Dung vi phạm Điều 356 Bộ luật hình sự. Do vậy, có thể thấy các cơ quan tố tụng đánh giá dấu hiệu phạm tội của Bà Dung chỉ dừng lại ở việc gây thiệt hại cho nhà nước. Họ đã bỏ qua một chi tiết là số tiền hơn 45 triệu đồng này bà Dung chiếm đoạt về mình.

Như vậy, trong trường hợp này còn 1 dấu hiệu vi phạm đã bị bỏ qua đó là chiếm đoạt tài sản mà bà Dung có trách nhiệm quản lý. Nếu phân tích thêm yếu tố chiếm đoạt số tiền 45 triệu thì hành vi của bà Dung có thể cấu thành tội tham ô. Cụ thể là, bà Dung là giám đốc trung tâm GDNN-GDTX huyện Hưng Nguyên, có quyền quản lý việc thu chi số tiền trong ngân sách trung tâm.

Từ việc ban hành quy chế chi tiêu nội bộ không đúng trình tự và sau đó là chi tiền cho bản thân không đúng pháp luật, dấu hiệu chiếm đoạt tiền do mình quản lý đã cấu thành việc tham ô. Dĩ nhiên, để kết luận bà Dung có phạm tội tham ô hay không lại là một vấn đề khác.

"Theo quan điểm của tôi, trường hợp này việc định tội chưa thuyết phục. Lý do là tội lợi dụng chức vụ quyền hạn Điều 356 và tội tham ô Điều 353 Bộ Luật hình sự cùng trong nhóm tội về tham nhũng. Cho nên, các dấu hiệu của nhóm tội này tương đối giống nhau, chỉ khác nhau ở một số dấu hiệu khách quan hoặc chủ quan như đã phân tích.

Do vậy, không thể khẳng định là toà án sai mà chỉ có thể khẳng định toà án định tội chưa thuyết phục. Ngoài ra, vì toà án áp dụng Điều 356 Bộ luật hình sự, nên trong trường hợp này có 1 vấn đề pháp lý nữa, là bà Dung đã nhiều lần chi cho chính mình với số tiền khác nhau. Trong đó, có hai lần đều chi trên 10 triệu.

Từ đó, các cơ quan tố tụng cho rằng hành vi của bà Dung thuộc trường hợp “phạm tội nhiều lần” nên đã áp dụng Khoản 2, Điều 356 Bộ luật hình sự. Theo khoản này khung hình phạt thấp nhất là 5 năm tù. Toà án đã áp dụng mức hình phạt thấp nhất trong khung hình phạt.

Tôi cho rằng điều này chưa thuyết phục vì mức thiệt hại được tổng hợp là 45 triệu đồng để định tội, nhưng khi định khung lại tách ra thành từng lần chiếm đoạt để kết luận thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần rồi lượng hình theo mức thấp nhất của Khoản 2 Điều 356 Bộ Luật Hình sự.

Trong trường hợp này, có thể có nhiều lần chi sai nhưng chỉ có một hành vi cấu thành tội phạm chứ không phải nhiều lần phạm tội. Vậy nên, nếu có áp dụng Điều 356 nên áp dụng khoản 1 để xử lý"- ông Sơn nói.

Về tâm lý xã hội, ông Sơn, cho rằng với mức thiệt hại hơn 45 triệu bị phạt tù 5 năm, bản án dễ bị công chúng so sánh với những vụ án, đại án diễn ra gần đây của hoạt động tư pháp. Từ đó, có những phản ứng khác nhau và những tranh luận về sự công bằng của việc áp dụng pháp luật.  

Tuy nhiên, xã hội được quyền đánh giá, được quyền tranh luận nhưng một khi đã vi phạm pháp luật việc xử lý phải được thực hiện đúng pháp luật. Trong pháp luật hình sự, việc trừng phạt, răn đe người phạm tội luôn được cân nhắc cùng với nguyên tắc nhân đạo và giáo dục.

"Trong vụ án này, tôi cho rằng khi định tội, lượng hình cần cân nhắc thêm một số vấn đề như với mức độ thiệt hại hơn 45 triệu đồng, bà Dung có khắc phục được không, việc áp dụng mức hình phạt 5 năm tù có tương xứng với hành vi và thiệt hại mà người phạm tội gây ra không? Bà Dung thực hiện hành vi vì nhận thức sai trong quá trình quản lý tài chính hay cố ý chiếm đoạt?… Có nghĩa cơ quan tư pháp cần phân tích các yếu tố khách quan, chủ quan, hậu quả, năng lực, khắc phục để đưa ra biện pháp thuyết phục được xã hội và người phạm tội"- theo ông Sơn.

Tiến sĩ luật học Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, các cơ quan tư pháp ở tỉnh Nghệ An nên đánh giá toàn diện các vấn đề để có thể xử lý vừa thuyết phục được quần chúng, bản án thuyết phục người phạm tội và không dồn những người có hành vi vi phạm pháp luật vào đường cùng mà để tạo điều kiện cho người ta có thể khắc phục được những sai sót, sai phạm… đó mới là bản tính nhân văn của áp dụng pháp luật.

'Một phán quyết sai về lý lẫn tình'

Đây là nhận định của luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Giám đốc hãng luật Giải phóng. Trao đổi với VietNamNet, luật sư này cho rằng "tình" ở đây là tính nhân văn, nhân đạo và sự bình đẳng của pháp luật.

"Một cô giáo từng là hội thẩm nhân dân nhiều năm ngồi tham gia xét xử tại toà án đang xét xử chính mình, lại bị tuyên một bản án không đủ sức thuyết phục (Bà Lê Thị Dung từng làm hội thẩm nhân dân của TAND huyện Hưng Nguyên và đã tham gia xét xử nhiều vụ án)", Luật sư Hưng cho biết.

Theo cáo trạng, mỗi tháng bà Dung bị cáo buộc chiếm đoạt mấy trăm nghìn đồng, không cần có tư duy hay kiến thức pháp luật, cũng nhận thấy bản án 5 năm tù cho bị cáo là quá nặng.

Ngoài ra, so với nhiều bản án có hiệu lực pháp luật liên quan đến tội phạm chức vụ, bản án này quá mất cân xứng, không có sự bình đẳng. Đó là lý do đầu tiên dẫn đến dư luận quan tâm và phản ứng bản án này.

Về lý, tức là luật nhìn ở góc độ pháp lý, bản án kết tội bà Dung còn khiên cưỡng, gượng gạo và có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật.

Thứ nhất, về áp dụng tình tiết “phạm tội 2 lần trở lên” chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Cụ thể là trái với quy định tại Điều 8 Nghị quyết 03 năm 2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Theo Điều 8, chỉ được áp dụng tình tiết này, nếu mỗi lần thực hiện hành vi phạm tội, tổng trị giá tài sản chiếm đoạt phải thuộc Khoản 2 của điều luật, tức từ 200 triệu đồng (khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự).

Trong khi đó, ở vụ án này tổng số tiến chiếm đoạt bị cáo buộc chỉ hơn 45 triệu đồng, cho nên không thể áp dụng tình tiết định khung tăng nặng này. Đó cũng là căn cứ không thể tuyên phạt bà Dung theo Khoản 2, Điều 356 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ 5 năm đến 10 năm tù, mà lẽ ra nếu có tội, khung hình phạt mà bà Dung có thể được áp dụng là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm

Thứ hai, nội dung kêu oan cũng là luận cứ bào chữa cho chính mình chưa được tòa án công minh xem xét thấu đáo. Bà Dung cho rằng, mình làm theo quy chế tài chính được ban hành công khai, minh bạch và những khoản chi đều thực hiện đúng theo quy chế.

Theo quy chế này, bà Dung được hưởng phụ cấp hai chức vụ, vị trí khác nhau đó là Bí thư chi bộ và tư cách người giảng dạy. Các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm buộc tội bà Dung vì xác định quy chế này chưa được cấp trên trực tiếp là sở GD-ĐT phê duyệt và hai khoản chi cho hai vị trí chức vụ, công việc trên là một.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên đọc các lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bị can Lê Thị Dung. Ảnh: Công an Nghệ An

Tuy nhiên, nhận định này chưa đưa ra căn cứ pháp lý vững chắc, cụ thể là áp dụng luật thời điểm (giai đoạn được cho là phạm tội từ năm 2012 đến 2016) là văn bản pháp luật nào, quy chế này có cần thông qua cấp trên phê duyệt hay không và có cấm Bí thư chi bộ được hưởng phụ cấp? Điều này rõ ràng là chưa được các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử làm rõ.

Ông Hưng cho rằng, vụ án này cần phải được cấp toà phúc thẩm huỷ án để điều tra lại, mới hy vọng đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.