Bàng Chúng Vọng (SN 1999, ở Hà Bắc, Trung Quốc) đã trở thành tấm gương cho nhiều học sinh, sinh viên nước này.

Anh xuất thân trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn, bố tâm thần, mẹ bại liệt. Năm 2017, Bàng Chúng Vọng được truyền thông biết đến khi trở thành thủ khoa kỳ thi ĐH với số điểm 744/750. Anh đỗ vào ĐH Thanh Hoa - một trong những ngôi trường hàng đầu thế giới. 

Vượt qua nghịch cảnh

Mẹ anh bị tật nứt đốt sống bẩm sinh, cụt hai chân, còn bố bị tâm thần. Để nuôi sống gia đình, bố mẹ Bàng Chúng Vọng làm việc vặt, thậm chí nhặt rác, thu nhập hàng năm 4.000-5.000 NDT (hơn 13 triệu). Sống trong hoàn cảnh khó khăn, Bàng Chúng Vọng ý thức được việc phải tự lực cánh sinh. 

Dù cuộc sống khó khăn, anh chưa bao giờ bỏ cuộc, lạc quan nhìn về tương lai. "Tôi không cảm thấy mình khổ cực. Thậm chí, tôi nghĩ có người còn phải ngưỡng mộ cuộc sống của mình", Bàng Chúng Vọng chia sẻ với truyền thông.

Đối mặt với hoàn cảnh ngặt nghèo, Bàng Chúng Vọng luôn tự nhắc bản thân cố gắng học tập chăm chỉ. Năm 2017, anh đỗ vào ĐH Thanh Hoa, trở thành thủ khoa của kỳ thi. Ngoài việc học, Bàng Chúng Vọng tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, làm tình nguyện viên...

Sau 4 năm, Bàng Chúng Vọng tốt nghiệp loại xuất sắc. Anh được tuyển thẳng lên học tiến sĩ, không qua học thạc sĩ. Thế nhưng, điều đáng tiếc nhất đối với Bàng Chúng Vọng là mẹ qua đời 1 năm trước khi anh tốt nghiệp ĐH.

Mỉm cười, lạc quan là "vũ khí" trưởng thành 

Sự ra đi của mẹ là cú sốc lớn đối với Bàng Chúng Vọng. Anh nói: "Mỗi lần nghĩ về mẹ, đêm nào tôi cũng trằn trọc không ngủ được". Tuy nhiên, khi nhớ lại lời mẹ căn dặn, anh lấy đó làm động lực vực dậy tinh thần: "Cuộc sống chắc chắn sẽ có những khúc ngoặt, con phải mạnh mẽ để cuộc sống có ý nghĩa hơn".

Anh chia sẻ, học được tính kiên trì, sự bền bỉ từ mẹ. Những phẩm chất này giúp anh luôn giữ thái độ lạc quan trong cuộc sống. “Tình yêu của mẹ là động lực giúp tôi vượt qua giông tố, không bị lạc lối trên đường đời”.

Nói về áp lực phải đối diện sau khi mẹ qua đời, Bàng Chúng Vọng cho biết: "Dù cuộc sống có vất vả, nhưng trong ấn tượng của tôi, mẹ ít khi cau mày. Bà cười mỗi ngày, lấy đó làm động lực, tôi nghĩ bản thân không có gì phải mệt mỏi, buồn bã. Có lẽ, đây là đặc điểm di truyền tuyệt vời của mẹ mà tôi được thừa hưởng".

Bàng Chúng Vọng nói thêm, áp lực cuộc sống, bệnh tật bám đuổi, khiến mẹ buồn nhưng không thể hiện ra. “Do đó, tôi cũng sẽ mỉm cười đối mặt với khó khăn, dù tốt hay xấu cũng chỉ cần lạc quan nhìn về phía trước”, anh nói.

Hiện, Bàng Chúng Vọng đã trở thành nghiên cứu sinh. Vượt qua mọi khó khăn, anh vẫn luôn kiên định với mục tiêu đặt ra. Nói về cuộc sống hiện tại, ngoài người thân anh còn có bạn gái: “Cô ấy là người tốt bụng, thông minh, luôn ủng hộ ước mơ của tôi. Mối quan hệ của chúng tôi tốt đẹp. Tôi và cô ấy luôn quyết tâm và vững tin về con đường phía trước”.

Thành công nhờ đồng hành của gia đình

Thành công của Bàng Chúng Vọng ngày hôm nay có sự đồng hành, hỗ trợ, động viên của gia đình, đặc biệt từ người mẹ quá cố. Sức mạnh của gia đình giúp Bàng Chúng Vọng trở nên mạnh mẽ. Quá trình trưởng thành của anh là câu chuyện cảm động, truyền cảm hứng cho những người xung quanh.

Khi nhắc đến gia đình, anh tự hào nói: "Gia đình tôi không có gì đáng để bàn luận. Bố mẹ, ông bà và các thành viên trong gia đình tôi đều tốt".

Thậm chí, Bàng Chúng Vọng còn cảm thấy may mắn vì nhận được trọn vẹn tình yêu thương của gia đình. “Tôi nghĩ điều này nhiều người sẽ phải ghen tỵ với gia đình mình”, anh nói. 

Bài học từ câu chuyện trên: “Ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta cũng không nên bỏ cuộc, hãy kiên trì theo đuổi ước mơ. Bố mẹ có thể không hoàn hảo, nhưng tình yêu, sự đồng hành của họ là điều kiện giúp đứa trẻ tự tin và can đảm đối mặt với thử thách trong cuộc sống".

Tình yêu thương và trí tuệ của mẹ đã giúp cho Bàng Chúng Vọng có niềm tin, hy vọng trong những lúc khó khăn. Sau khi bà ra đi, anh đau buồn nhưng vẫn phải tiếp tục tiến về phía trước, báo đáp gia đình bằng những nỗ lực và thành tích của bản thân.

An An (Theo Sohu, 163)