- “Mỗi chuyến đi, tôi lại có thêm những trải nghiệm, hiểu biết, lại gói ghém được thêm chút hoài niệm cho những miền đất, con người mình đã từng đi qua…”.

Đó là tâm sự tình cảm và cũng rất chân thật của nữ sinh Nguyễn Thị Lan Anh sau chuyến đi trải nghiệm lại con đường hành quân của cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975. Lan Anh đang là sinh viên Trường ĐH Ngoại Ngữ (ĐHQG Hà Nội).

{keywords}
Nguyễn Thị Lan Anh - sinh viên tham gia trải nghiệm "Theo bước cha ông"

Hành trình đến với tôi như một cái duyên. Tôi chẳng hề có ý định dấn thân vào showbiz, cũng chẳng nghĩ tham gia là để được lên tivi. Mục đích chỉ đơn giản là đi và trải nghiệm.

Hành trình đến với tôi còn có chút đánh đổi. Vì để tham gia chuyến đi này, phần nào tôi cũng đặt việc tốt nghiệp của mình vào thế nguy. Bởi lúc này, tôi đang ngổn ngang những suy nghĩ về khóa luận, về bài vở, của những năm tháng sắp rời ghế giảng đường ĐH…

Dù căng thẳng, vất vả và thức khuya hơn nhưng tôi vẫn cứ Xách ba lô lên mà đi.

{keywords}

Di chuyển qua nhiều thành phố, hành trình không cho tôi được “Sống trong quân ngũ” đủ lâu. Nhưng chuyến đi cho tôi nhiều cuộc gặp gỡ - để gặp những nhân chứng xưa tới những người lính của thời nay. Và chưa bao giờ, tôi lại cảm thấy mình hiểu được cái từ “quên mình”, cái dòng chữ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” rõ ràng đến như thế.

Tôi vẫn nhớ lần tới Lữ đoàn không quân 918. Ở đó, tôi gặp anh phi công không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn giỏi tiếng Anh. Anh nói chuyện và tham gia huấn luyện cùng các chuyên gia nước ngoài một cách rất chuyên nghiệp. Và sau khi biết anh chỉ học tiếng Anh có một năm, thật lòng lúc ý tôi chỉ thấy mình thật bé nhỏ.

Hay lần tới vùng Cảnh sát Biển 2 tại Quảng Nam, nghe các anh chia sẻ mà lòng tôi thấy nghẹn ngào vô cùng. Các anh kể cho tôi về chuyện gia đình, rằng những chuyến đi xa biền biệt nhiều lúc cũng khiến các anh thấy có lỗi với gia đình, con nhớ bố, vợ nhớ chồng.

Tôi nhớ tới anh Biên, người lính rắn rỏi ấy có lần đã đùa rằng đã 3 lần anh cưới hụt vì cô dâu sợ lấy Cảnh sát Biển về thì cô đơn lắm...

Những lúc đi trên biển làm nhiệm vụ, lòng các anh cũng xót, cũng lo lắm chứ, nhất là khi gia đình có người ốm nặng. Nói vậy mà các anh vẫn chia sẻ: “Chẳng có gì thiêng liêng hơn khi Tổ quốc gọi tên mình”….

{keywords}
Lan Anh trong trải nghiệm học cách giấu thư trong bẹ lá chuối

Thực sự, là lần đầu tiên sống tập thể, tôi hiểu thế nào là “Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Mọi người sống với nhau chan hòa quá, ấm áp quá.

Sống với mọi người, đi cùng mọi người, cùng hòa vào những tiếng câu bông đùa, tiếng cười giòn giã trên xe. Một người có tiếng đi 5 phút là say ô tô như tôi, tuyệt nhiên đi từ Bắc vào Nam, chẳng say xe tới một lần...”.

Có những khi tôi dẫn phim còn bị vấp, anh quay phim, vẫn cứ bình tĩnh, tỉ mẩn mà động viên, chỉ bảo cho tôi, càng gần đến về sau, tôi càng dễ trơn tru trong lời thoại của mình, có khi chỉ mất một, hai “đúp” là xong. Thực lòng những lúc ý tôi chỉ nghĩ: Mình phải cố, để người mà mình yêu quý không bị vất vả.

{keywords}

Lần đầu đặt chân tới những miền đất khác nhau, lòng tôi cũng e ấp nhiều xúc cảm. Tôi hiểu được một nhịp sống chậm, trầm mặc ở Huế, một sự yên ả trong lành của Đà Nẵng, một mùi nắng gió của Quảng Nam, một không gian xô bồ nhộn nhịp của Sài Gòn, một vị mát lành của những bóng dừa miền Tiền Giang…

Đi tới đâu, tôi cũng cố gắng thu hết mọi khung cảnh vào tầm mắt mình. Đúng là “ Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương”.

Trong cuộc sống này, yêu thương không bao giờ đủ. Nhưng tôi vẫn xin cảm ơn chuyến đi vì đã cho tôi được yêu cuộc sống này hơn, yêu cả những người chưa bao giờ gặp, những người đã ngã xuống vì sự thống nhất của dân tộc hôm nay.

Chuyến đi của Lan Anh là một trong nhiều cuộc hành trình mà các bạn trẻ đã trải qua trong chương trình truyền hình thực tế “Theo bước cha ông” của kênh Truyền hình Quốc Phòng Việt Nam. Chương trình gồm 9 tập và 1 Gala chính thức lên sóng, hàng ngày từ 22-4.

Một vài thành tích của Lan Anh:

Học bổng của Hiệp Hội Thương mại Hoa Kỳ – Amcham Scholar (2014).

Danh hiệu Thí sinh xuất sắc nhất - IChallenged, YVS Việt Nam (2014).

Danh hiệu Cống hiến - VYMUN (2014).

Danh hiệu Điều phối chương trình Trao đổi Sinh viên xuất sắc nhất - AIESEC Hanoi,

(2013).

Giấy khen thành tích đóng góp cho Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á (ASEAN

Schools GAMES) lần thứ 5 (2013).

Giải Ba Nghiên cứu Khoa học – Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) năm 2012.


  • Nguyễn Thị Lan Anh