Theo Nikkei Asian Review, những ngày qua, ở vùng ngoại ô của thành phố biển Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, hàng trăm công nhân xây dựng đang bận rộn thi công làn mới của dự án đường cao tốc nối với Hàng Châu. Tiếng sắt thép va vào nhau và tiếng máy ủi, máy xúc ầm ĩ khắp công trường.

“Công trường đã thi công trở lại từ tháng 3, nhưng chúng tôi mới chỉ bắt kịp tiến độ gần đây thôi", Nikkei dẫn lời một công nhân cho biết. “Hiện chúng tôi đang được trả nhiều tiền hơn để làm việc ngoài giờ".

Tập đoàn Xây dựng Viễn thông Chiết Giang - nhà thầu phụ trách thi công mở rộng cao tốc - là một dạng công ty tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) tại Trung Quốc. LGFV vay tiền từ ngân hàng và phát hành trái phiếu để huy động vốn ngoài sổ sách cho chính quyền địa phương. Số tiền này thường được rót vào các dự án cơ sở hạ tầng.

{keywords}
Một cơ sở chế biến kim loại tại Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Các địa phương Trung Quốc ồ phạt đầu tư vào dự án hạ tầng để kích thích nền kinh tế. Ảnh: Nikkei.

Vực dậy nền kinh tế với các dự án công

Giới chuyên gia nhận định LGFV là công cụ quan trọng giúp các địa phương Trung Quốc kích thích kinh tế để đối phó với tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, khối nợ thông qua các công ty này ngày càng phình to, có thể đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế và thị trường tài chính Trung Quốc.

“Chúng tôi sẽ phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho dự án này", một giám đốc của Tập đoàn Xây dựng Viễn thông Chiết Giang cho biết khi khảo sát công trường xây dựng tại Ninh Ba hồi đầu tháng này. Công ty này đã phát hành 800 triệu NDT (114 triệu USD) trái phiếu trong năm 2019 và dự kiến sẽ tiếp tục huy động thêm vốn.

{keywords}
Kinh tế Trung Quốc lao dốc trong quý I do tác động của dịch Covid-19 nhưng phần nào phục hồi trong quý II. Ảnh: Getty Images.

Trên toàn quốc, các LGFV của Trung Quốc đã phát hành tổng cộng 3.300 tỷ NDT (hơn 472 tỷ USD) trái phiếu mới trong khoảng từ tháng 1 đến giữa tháng 7, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã tương đương 75% cả năm 2019, theo hãng nghiên cứu tài chính Shanghai DZH.

Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên thoát khỏi suy thoái kinh tế do dịch bệnh Covid-19, với GDP tăng 3,2% trong quý II/2020 theo thông báo của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, phần lớn sự phục hồi này là nhờ vào thị trường bất động sản và các dự án cơ sở hạ tầng với nguồn vốn từ trái phiếu quốc gia, khu vực và LGFV. Trong khi đó, thu nhập và tiêu dùng tăng chậm chạp.

Tại Trung Quốc, trái phiếu được xem là công cụ hợp pháp để chính quyền các địa phương huy động vốn. Và điều quan trọng là cả chính phủ trung ương hay chính quyền các địa phương đều không có nghĩa vụ phải trả nợ trái phiếu LGFV hay giải cứu các công ty phát hành trái phiếu.

Nhiều công ty rơi vào rắc rối

Tuy nhiên, các công ty vẫn cho rằng chính quyền địa phương có thể sẽ giúp trả ít nhất một phần nợ trái phiếu này nếu cần thiết, bởi một vụ vỡ nợ trái phiếu quy mô lớn có khả năng tác động lớn tới cả hệ thống tài chính.

“Chúng tôi có sự ủng hộ của chính quyền, vì vậy chẳng có vấn đề hay rủi ro gì về việc thanh toán cả", đại diện một công ty LGFV tại thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô khẳng định.

Theo hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế China Chengxin, ước tính chính quyền các địa phương tại Trung Quốc ôm gần 43.000 NDT (6.160 tỷ USD) nợ ngầm tính tới cuối năm 2019. Cộng với các khoản nợ chính thức, các chính quyền này được cho là nợ gần 67.000 tỷ NDT (9.589 tỷ USD) tính tới cuối tháng 6/2020. Số nợ ngầm tích lũy ngày càng lớn thì rủi ro với thị trường tài chính càng cao.

Hiện tại, một số LGFV đã rơi vào tình cảnh khó khăn. Hồi tháng 3, một công ty thuộc dạng này tại thị trấn Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu vỡ nợ trái phiếu. Các công ty LGFV khác tại Tuân Nghĩ cũng bị cho là đang trong tình cảnh tương tự.

{keywords}
Nợ của Trung Quốc đang ngày càng phình to. Ảnh: Reuters.

Hồi tháng 5, một hãng xếp hạng tín nhiệm cảnh báo về trái phiếu được phát hành bởi một công ty LGFV tại Dinh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh. Công ty này tới hạn trả trái phiếu 500 triệu NDT nhưng chỉ có 40 triệu NDT tiền mặt và tài sản tương đương. Công ty này sau đó đã trả nợ đúng hạn nhưng với số tiền lấy từ đâu ra thì không ai biết.

Việc chính quyền Trung Quốc lên tiếng thúc giục các ngân hàng đẩy mạnh giải ngân cho doanh nghiệp giúp các LGFV huy động vốn càng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định một số LGFV và chính quyền địa phương đã bắt đầu gặp rắc rối với các khoản nợ, cho thấy những bất cập trong công cuộc phục hồi nền kinh tế với đầu tàu là các dự án công.

(Theo Zing)