Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ vừa có suất diễn đầu tiên vở kịch Tết thứ 2 Mặt đối mặt - dựng từ kịch bản Cha yêu (tên gọi đầu tiên là Thư video) của cố NSƯT Thanh Hoàng với nhiều chỉnh sửa cho phù hợp với bối cảnh hiện tại. 

Tác phẩm xoay quanh cuộc sống của Trần - chàng trai có cuộc sống ổn định bỗng dồn hết tài sản sang Mỹ đầu tư làm ăn rồi trượt dài trong thất bại. Để giữ hình ảnh trong mắt cha và 2 em ở Việt Nam, anh nói dối là chủ nhà hàng dù công việc thực tế là bồi bàn. 

Trần nai lưng làm việc, thậm chí xin ứng 1 năm lương, gửi về Việt Nam còn 2 người em giả nghèo, cùng nhau lập mưu moi tiền ông anh Việt kiều. 

W-4aaaaaaaa-2.jpg
Diễn viên Trọng Hiếu và NSND Mỹ Uyên.

Cuối thập niên 1980, NSƯT Thanh Hoàng sáng tác, dàn dựng vở Thư video (sau này đổi thành Cha yêu) và đoạt giải cao trong Liên hoan sân khấu quần chúng toàn thành. Tác phẩm trở thành kịch mục chính của Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm (tiền thân của Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ) bấy giờ.

Năm 2007, Thanh Hoàng một lần nữa đưa kịch bản Cha yêu lên sân khấu 5B, quy tụ những tên tuổi như NSND Việt Anh, NSƯT Công Ninh, NSƯT Cát Tường, nghệ sĩ Hoàng Sơn, Thanh Hải…

Giám đốc nhà hát – NSND Mỹ Uyên cho hay lúc 'căng não' tìm kịch bản cho mùa Tết bỗng nghĩ đến những kịch bản đặc sắc ở sân khấu này. Chị cùng ê-kíp lục tìm lại kịch bản Cha yêu - từng được Thanh Hoàng sinh thời mời tham gia nhưng không thành. Điều đó thôi thúc Mỹ Uyên dựng lại tác phẩm.

Tạo hình của Mỹ Uyên.

Mỹ Uyên và đạo diễn Chánh Trực bàn bạc để chỉnh lý kịch bản cho phù hợp với bối cảnh thời đại. Trong bản gốc, internet chưa phát triển, những người thân trong gia đình phải tự quay video và gửi đường bưu điện, mất hàng tuần mới thấy mặt nhau.

Trong khi đó, người thời hiện đại sống cách nhau nửa vòng Trái đất vẫn có thể nhìn thấy nhau chỉ bằng 1 cú nhấn gọi trực tuyến. Ê-kíp muốn nhấn mạnh công nghệ dù phát triển vẫn không theo kịp những toan tính, kế hoạch của con người.

"Cha yêu là một kịch bản hay, có ý nghĩa, khúc chiết về thông điệp. Tính thời sự về giấc mơ Mỹ hay thói sĩ diện vẫn còn nóng", đạo diễn Chánh Trực nói.

Một số cảnh trong vở diễn.

Để phù hợp ra rạp dịp Tết Nguyên đán 2024, ê-kíp cũng làm lại đường dây và cách dẫn dắt để bản dựng thiên về châm biếm, hài hước và vui tươi.

Dàn diễn viên tham gia có gương mặt kỳ cựu như Chánh Trực, Tô Thiên Kiều, Kim Đào, Kỳ Thiên Cảnh và Lê Khâm cùng những người trẻ của nhà hát như Quốc Cường, Thu Cúc, Minh Đức, Hồng Công, Dương Minh...

Sau suất diễn đầu tiên, ê-kíp vở Mặt đối mặt tri ân vợ cố NSƯT Thanh Hoàng - nghệ sĩ hóa trang Trương Đào. Chị xúc động, bật khóc, nói biết ơn nhà hát đã đưa tác phẩm của chồng trở lại sân khấu.

untitled1aaaa.jpg
Chị Trương Đào - vợ cố NSƯT Thanh Hoàng - khóc nức nở.

NSND Mỹ Uyên nghẹn ngào kể quen biết đàn anh từ lần đầu về nhà hát năm 1997. Hai người đồng hành đơn vị qua từng thăng trầm, từ khi sân khấu xã hội hóa đến kịch nói thoái trào, bị lấn lướt bởi các loại hình giải trí mới.

Những ngày cuối cùng của Thanh Hoàng luôn có sự túc trực của chị Đào và Mỹ Uyên. "Trong đám tang của anh Hoàng, tôi đã nghĩ đến một ngày sẽ làm lại các tác phẩm vì anh có một kho kịch bản rất hay ngoài tác phẩm nổi tiếng nhất Dạ cổ hoài lang", NSND tiết lộ. 

Vở diễn Mặt đối mặt sẽ có 5 suất diễn vào dịp Tết 2024.