Nvidia ngoạn mục vượt Microsoft và Apple

Nvidia – công ty vốn nổi tiếng với cộng đồng game thủ toàn cầu vì những con chip đồ họa của mình – nay đã giá trị hơn cả Microsoft và Apple. 

Khép phiên giao dịch ngày 18/6, cổ phiếu Nvidia tăng 3,6%, nâng vốn hóa lên 3,34 nghìn tỷ USD, vượt Microsoft (3,32 nghìn tỷ USD). 

sssp5ok4 460.png
Với những con chip AI của mình, Nvidia đã lên ngôi công ty giá trị nhất thế giới xét theo vốn hóa thị trường. Ảnh: finimize

Đầu tháng này, Nvidia lần đầu chạm mốc 3 nghìn tỷ USD và cũng trở thành á quân thay cho Apple.

Trong năm 2024, cổ phiếu Nvidia tăng hơn 170% và còn liên tục chinh phục những đỉnh cao mới khi báo cáo kết quả kinh doanh quý I vào tháng 5. 

Từ cuối năm 2022, cổ phiếu nhà sản xuất chip đã tăng hơn 9 lần, trùng với sự trỗi dậy của công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Cũng trong ngày 18/6, cổ phiếu Apple giảm 1,1% nên vốn hóa giảm còn 3,29 nghìn tỷ USD.

Nvidia chi phối khoảng 80% thị trường chip AI dùng trong trung tâm dữ liệu, một ngành kinh doanh đang bùng nổ khi OpenAI, Alphabet, Amazon, Meta và những hãng khác đang chạy đua để mua sắm những con chip cần thiết để xây dựng mô hình AI và chạy khối lượng công việc ngày càng lớn.

Nvidia cuối cùng đã vượt lên trở thành công ty giá trị nhất thế giới, Nhưng ít ai biết rằng, hơn 30 năm qua, Nvidia từng 3 lần đứng bên bờ vực sụp đổ.

4 tập đoàn tài phiệt Hàn Quốc họp khẩn

Samsung, SK, Hyundai và LG đều tổ chức các cuộc họp chiến lược trong tháng này để tìm cách vượt qua những bất ổn địa chính trị và kinh tế suy thoái.

Theo Korea Herald, từ 18-20/6, Samsung Electronics – chaebol số 1 Hàn Quốc – sẽ khởi động các cuộc họp chiến lược. Các lãnh đạo cấp cao nhất dự kiến gặp mặt để thảo luận về các chiến lược toàn cầu của công ty trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng, bao gồm trí tuệ nhân tạo. AI liên quan đến tất cả các hoạt động kinh doanh, từ smartphone đến thiết bị gia dụng đến chip.

x11id5im 861.png
Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae Yong trả lời phóng viên hôm 13/6 sau khi kết thúc chuyến công tác 2 tuần đến Mỹ. Ảnh: Yonhap

SK Group, tập đoàn lớn thứ hai Hàn Quốc, sẽ tổ chức cuộc họp cấp cao từ ngày 28-29/6 để đánh giá kế hoạch kinh doanh giữa các chi nhánh. Chủ tịch Chey Tae Won, con trai của cố chủ tịch, và các thành viên khác của gia đình sáng lập, bao gồm Phó Chủ tịch SK Innovation Chey Jae Won và Chủ tịch Hội đồng SK Supex Chey Chang Won, dự kiến tham dự cuộc họp cùng với những người đứng đầu các chi nhánh.

Đứng thứ ba về tài sản, tập đoàn ô tô Hyundai sẽ triệu tập một cuộc họp chiến lược toàn cầu vào cuối tháng này với sự tham dự của Chủ tịch điều hành Chung Eui Sun. 

Các giám đốc dự kiến sẽ thảo luận về các chiến lược để vượt qua Đạo luật Giảm lạm phát và các biện pháp sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11. Họ cũng có thể sẽ thảo luận về kế hoạch tăng trưởng ở Ấn Độ và Đông Nam Á.

Chaebol lớn thứ tư Hàn Quốc – LG - đã tiến hành các cuộc họp chiến lược trong hai tuần vào tháng trước. Các công ty con quan trọng, bao gồm LG Electronics và LG Innotek, báo cáo kết quả và chia sẻ kế hoạch hoạt động kinh doanh trong nửa năm tới.

HarmonyOS của Huawei ‘hất cẳng’ iOS tại Trung Quốc

Dữ liệu từ Counterpoint Research cho thấy, trong quý I/2024, HarmonyOS chiếm 17% thị phần, lần đầu tiên vượt qua iOS tại thị trường di động lớn nhất thế giới. 

a0cb251d b3c3 4db3 80e8 69a6be937b3e 61cd3d93 966.jpeg
Thị phần của HarmonyOS dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ảnh: SCMP

Một trong những yếu tố thúc đẩy là nhu cầu nội địa tăng cao đối với các mẫu smartphone 5G do Huawei tự sản xuất.

Tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Thẩm Quyến, vốn nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ, ghi nhận mức tăng thị phần nội địa hơn gấp đôi, từ 8% của quý I/2023. Trong khi đó, iOS tụt xuống vị trí thứ ba với 16%, Android Google tiếp tục thống trị với 68% trong cùng kỳ.

Theo Counterpoint, thị phần của HarmonyOS dự kiến sẽ “tiếp tục tăng trưởng khi Huawei tập trung địa phương hoá chuỗi cung ứng”.

Trên phạm vi toàn cầu, Android và iOS tiếp tục dẫn đầu trong quý I/2024 với thị phần lần lượt là 77% và 19%. Cùng thời điểm HarmonyOS chiếm 4%.

NATO rót 1 tỷ euro cho AI, không gian và robot quân sự

Quỹ Đổi mới của NATO thông báo cung cấp gói hỗ trợ tài chính đầu tiên, trị giá 1 tỷ euro cho các công nghệ sâu phục vụ mục đích quốc phòng của khối.

Quỹ Đổi mới ra mắt năm 2022, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Đây là chương trình nhằm kết nối giữa bên mua, thường là chính phủ các nước thành viên, với những công ty khởi nghiệp (bên bán) để phát triển công nghệ quốc phòng.

Các công ty đầu tiên nhận được khoản đầu tư là các công ty châu Âu bao gồm: ARX Robotics của Đức - công ty chuyên thiết kế robot không người lái và 3 công ty khởi nghiệp khác ở Vương quốc Anh (công ty sản xuất chip Fractile, iComat và Space Forge chuyên sản xuất vật liệu không gian mới).

Quỹ này cũng rót tiền vào 4 quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào công nghệ sâu, bao gồm: Join Capital, Vsquared Ventures, OTB Ventures và Alpine Space Ventures. 

NATO cho biết các khoản đầu tư dành cho những trung tâm công nghệ chuyên sâu nhằm thúc đẩy chủ quyền công nghệ của Liên minh.