2016 có thể được coi là năm của các “sự kiện” nóng bỏng về môi trường. chưa bao giờ vấn đề môi trường lại “nóng bỏng” như năm 2016 với dồn dập các thông tin khiến dư luận dậy sóng.
Điển hình nhất là vụ việc thép Formosa Hà Tĩnh xả thải ra môi trường làm ô nhiễm biển 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, làm hải sản chết hàng loạt, đời sống của người dân lao đao vì mất sinh kế. Chưa kể, hiện tượng cá chết hàng loạt ở khắp nơi, kể cả ở Hồ Tây (Hà Nội) đã khiến nỗi ám ảnh ô nhiễm không dứt.
Ngoài ra, còn có thể kể đến dự án giấy Lee&Man ở Hậu Giang. Dù chưa đi vào vận hành chính thức, nhưng dự án này đã khiến Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản “đứng ngồi không yên” vì lo ngại nhà máy xả thải làm chết tôm cá.
Rồi đến chuyện Bình Thuận muốn cắt hơn 1.000 ha khu bảo tồn biển Hòn Cau để “nhường” cho trung tâm nhiệt điện tỷ đô Vĩnh Tân…
Bên cạnh đó, năm 2016 liên tiếp nhiều siêu dự án có số vốn “khổng lồ” được các DN đề xuất đã dấy lên những tranh luận và lo ngại về môi trường. Đó là siêu dự án giao thông thủy điện sông Hồng với vốn đầu tư dự kiến lên tới 1,1 tỷ USD, là dự án thép Hoa Sen Cà Ná ở Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư lên tới 10 tỷ USD (giai đoạn 1 là 500 triệu USD)…
Thực tế đó đặt ra vấn đề tăng trưởng kinh tế có nhất thiết phải đánh đổi về môi trường hay không? Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Kiên quyết không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt”.
Thủ tướng chỉ đạo: “Không được thu hút đầu tư bằng mọi giá, phải chú trọng tiêu chí môi trường. Kiên quyết không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường”.
Thông điệp trước sau như một ấy đã được Thủ tướng tuyên bố xuyên suốt các diễn đàn và được nhiều nhà đầu tư dẫn lại như một lời cam kết môi trường mạnh mẽ.
Ban Kinh doanh