Tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển miền Trung đang ở mức báo động, nạn ô nhiễm môi trường biển do rác thải, nước thải vẫn chưa thuyên giảm.

Từng dòng nước đen ngòm, sủi bọt, bốc mùi hôi thối hàng ngày cứ đổ từ cống Phú Lộc ra bãi biển đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Đà Nẵng. Bãi tắm vắng hoe, hàng quán ế ẩm vì mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ cống thải. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng chính quyền thành phố Đà Nẵng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để, gây bức xúc cho người dân.

Ông Nguyễn Thành, nhà ở gần kênh Phú Lộc, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng bức xúc: từ nhiều năm nay, gia đình ông và bà con ở đây ăn không ngon, ngủ không yên vì mùi hôi thối. Tới giờ ăn uống là phải bịt khẩu trang lại.

{keywords}

Rác thải trên bãi biển ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Không riêng gì kênh Phú Lộc, âu thuyền Thọ Quang, quận Sơn Trà cũng là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Rác thải trôi nổi lềnh bềnh, quyện với nước biển đen ngòm biến nơi đây thành bãi chứa rác và nước thải khổng lồ.

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải thành phố Đà Nẵng cho biết: Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Thọ Quang hiện có hàng chục doanh nghiệp chế biến thủy sản hoạt động nhưng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại đây đã quá tải, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Hàng năm, thành phố Đà Nẵng tiến hành nạo vét thu gom, xử lý nước thải; phun chế phẩm khử mùi... nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa giảm. Trước thực tế này, thành phố Đà Nẵng đã quyết định đầu tư nâng cấp Trạm xử lý nước thải Sơn Trà với công suất 10.000 m3/ngày đêm để giải quyết tình trạng ô nhiễm về lâu dài cho khu vực âu thuyền Thọ Quang.

{keywords}

Rác trôi lềnh bềnh tại cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi)

Ông Mai Mã cho rằng: Thành phố cũng có quyết định khống chế ô nhiễm xả thải của các doanh nghiệp trước khi thải ra hệ thống thu gom để đưa về nhà máy xử lý. Khi khống chế được độ ô nhiễm của các doanh nghiệp, nhà máy xử lý nước thải hiện tại sẽ ổn định và không bị xốc tải như những năm trước.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển cũng đã được cảnh báo từ lâu. Rác thải đủ loại trôi dập dềnh tại khu vực cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.

Còn tại huyện đảo Lý Sơn, mặc dù đã có nhà máy xử lý rác thải với công suất 50 tấn/ngày nhưng lượng rác thải ra biển cũng không giảm. Từ cầu cảng Lý Sơn, đến các điểm du lịch và cả đảo Bé, xã An Bình, lượng rác ngày càng tăng theo lượng du khách ra đảo.

Ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Mỗi ngày người dân và du khách thải ra từ 18 đến 20 tấn rác thải. Khách du lịch tới đông, kéo theo lượng rác thải nhiều nên chúng tôi phải tập trung thêm công tác thu gom để xử lý. Hiện có 2 đội thu gom ở 2 xã. Tiếp tới đây là sẽ triển khai thu gom sang đảo Bé, xã An Bình”.

Hàng năm, tỉnh Quảng Ngãi triển khai nhiều đợt ra quân, tuyên truyền nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ven biển vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tỉnh này đang triển khai Đề án quản lý tổng hợp đới bờ, khảo sát thực trạng và thực hiện nhiều giải pháp mang tính bền vững trong việc bảo vệ môi trường ven biển.

Ông Nguyễn Quốc Tân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: “Trách nhiệm của thanh niên, hội đoàn thể phải vào cuộc với chính quyền. Phải có những quy ước ở địa phương. Cùng đồng lòng với nhau, làm sạch môi trường để cùng nhau hưởng chứ không phải cho riêng một cá nhân nào hưởng”.

Ô nhiễm môi trường ven biển đã và đang đe dọa sức khỏe con người. Bên cạnh các giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, cộng đồng và doanh nghiệp chung tay bảo vệ môi trường, cần phải nhân rộng các mô hình tốt về xử lý môi trường, đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom xử lý rác thải khu vực ven biển./.

(Theo VOV)