Cả tháng bán được 1-2 xe, dân sale ô tô cũ "uống nước cầm hơi"

Tháng 7 âm lịch hay còn gọi là tháng Ngâu hay tháng cô hồn hàng năm thường là thời gian thấp điểm nhất của thị trường ô tô nói chung và ô tô đã qua sử dụng nói riêng.

Các cơ sở kinh doanh ô tô cũ ế ẩm trong tháng Ngâu. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Ghi nhận của PV VietNamNet tại Hà Nội trong những ngày qua cho thấy, những "phố xe cũ" như Trần Thái Tông, Thành Thái (quận Cầu Giấy), Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), Lê Quang Đạo, Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm),  Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên),... các salon ô tô lớn nhỏ đều ở trong tình trạng thưa vắng khách chưa từng thấy.

Theo chia sẻ từ một số chủ salon kinh doanh ô tô cũ, thị trường trong 2-3 tháng trước đã rất ảm đạm, nhưng ít nhiều vẫn có giao dịch. Tuy nhiên trong nửa cuối tháng 8 (trùng với đầu tháng 7 âm lịch) thì gần như "đóng băng", đa số cơ sở đang phải làm ăn cầm chừng, bù lỗ.

Anh Đỗ Bình Minh - chủ một showroom bán xe cũ tại quận Cầu Giấy cho hay, gần 1 tháng nay cơ sở này bán được vỏn vẹn đúng 2 chiếc, đều là cho người quen. Đây là doanh số ở mức thảm hại nhất trong vòng hơn 10 năm "sự nghiệp" mua bán ô tô cũ của anh.

"Trong thời gian này, showroom không dám nhập thêm xe vì càng nhập càng lỗ. Nhiều chiếc tôi phải đưa qua các showroom lớn hơn để ký gửi, họ có khách bán được thì mình ăn nhẹ hơn, nhưng đỡ mất tiền bến bãi, bảo quản", anh Minh nói.

Còn anh Nguyễn Quốc Khánh - Quản lý của salon ô tô 668 trên đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) nhận định, trong tháng Ngâu hiện nay, cánh buôn xe cũ chỉ làm ăn "cầm hơi" bởi khách hàng rất ngại mua bán tài sản lớn như ô tô.

"Với định vị là các dòng xe lướt có giá trên dưới 1 tỷ, thực sự tháng Ngâu vừa qua đối với chúng tôi là rất đáng quên khi khách hàng ở phân khúc này rất cẩn thận trong việc xuống tiền. Họ đến xem nhưng nếu có kết thì cũng hẹn hết tháng Ngâu mới lấy xe cho yên tâm", anh Khánh chia sẻ.

Theo anh Khánh, có rất nhiều nguyên nhân khiến tháng Ngâu năm nay thị trường xuống "đáy của đáy", đó là do ảnh hưởng dư âm của Covid-19 nên kinh tế vẫn chưa phục hồi.

Ngoài ra, 1 yếu tố nữa là do việc mua bán xe cũ gặp nhiều hạn chế bởi khách mua ngại quy định mới về sang tên đổi chủ, thu hồi và định danh biển số. Các showroom không chỉ gặp khó khăn trong bán hàng mà còn ở khâu nhập xe.

Tại salon ô tô cũ này, khách đến "cưỡi ngựa xem hoa" mà hầu như không xuống tiền trong tháng Ngâu. (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Vẫn loay hoay với thủ tục định danh biển số

Kể từ ngày 15/8 vừa qua, việc sang tên cho các phương tiện đã qua sử dụng theo Thông tư 24/2023/TT-BCA chặt chẽ hơn nhiều so với trước đây. 

Việc cấp, thu hồi đăng ký, biển số theo mã định danh cá nhân là bước ngoặt trong việc quản lý phương tiện, thể hiện rõ nỗ lực số hóa dữ liệu của cơ quan quản lý là Bộ Công an. 

Theo những người có kinh nghiệm, hiện nay, muốn sang tên thuận lợi cho người mua, chủ cũ phải hoàn tất thủ tục thu hồi đăng ký, biển số bằng cách khai báo trên Cổng dịch vụ công, sau đó trực tiếp đi nộp đăng ký xe, biển số xe cho cơ quan đăng ký xe. Việc này thường mất đến mấy ngày làm việc do tại thời điểm này công tác tiếp nhận ở một số điểm đăng ký xe của Hà Nội còn gặp nhiều hạn chế.

Chưa kể đến, nhiều chiếc ô tô được các salon xe cũ thu mua từ trước gặp khó khăn trong việc sang tên cho khách hàng, do không liên lạc được với chủ cũ, chủ cũ bận việc, đang ở xa hoặc đơn giản là chủ xe...không hợp tác. Chính những lý do này phần nào dẫn đến tình trạng ế ẩm tại các cửa hàng xe ô tô cũ.

Giới kinh doanh xe cũ dự đoán, tình hình ế ẩm sẽ còn kéo dài nhiều tháng nữa. (Ảnh: Tuấn Kiệt)

Chia sẻ thêm với VietNamNet, anh Đỗ Bình Minh kể, từ 15/8 đến nay, 4-5 anh em tư vấn bán hàng của salon chủ yếu tập trung vào giải quyết những việc "chẳng đâu vào đâu" như xử lý và hỗ trợ cho các khách hàng đang làm thủ tục sang tên chưa xong, các khách hàng cũ cần hỗ trợ trả lại biển số và bấm biển số mới,...

"Nhiều trường hợp xe giao dịch từ lâu nhưng khách hàng vẫn gọi điện nhờ, chúng tôi lại phải hướng dẫn cho cả người bán và người mua chiếc xe đó. Không ít người tiếc nuối vì trước đây mua xe có biển số khá đẹp nhưng vì chủ quan không sang tên nên sau ngày định danh mới "ngã ngửa", biển số đã được định danh cho chủ cũ, giờ muốn dùng biển đó cũng không được", anh Minh nói.

Còn anh Trần Thanh Tùng - phụ trách bán hàng của một chuỗi salon ô tô lớn tại Hà Nội thẳng thắn cho rằng, quy định hiện nay về định danh biển số đang làm khó những cơ sở kinh doanh ô tô cũ, nhất là những cơ sở lớn bởi công việc nhiều hơn mà rủi ro lại cao hơn.

"Trước đây hai bên chủ mới và cũ chỉ cần ra văn phòng công chứng làm giấy tờ mua bán là chúng tôi có thể đi làm cho khách, thủ tục rất nhanh gọn. Nhưng bây giờ cần sự xuất hiện của rất nhiều bên với các bước khai báo, thu hồi biển số, cấp mới,... rất phức tạp, lắm rủi ro. Mà nếu có vấn đề gì thì khách chỉ biết "gõ" vào đầu salon mà thôi", anh Tùng nói với PV VietNamNet.

Theo anh Tùng, bản thân các salon chuyên nghiệp cũng khó có thể tìm và nhờ được chủ cũ để thực hiện sang tên, rút hồ sơ. Còn người dân thì ngại xuống tiền vì cảm thấy chưa chắc chắn, lại mất thêm chi phí để gắn biển số mới. Thế nên thời điểm này, đa số khách hàng có tâm lý... từ từ để chờ đợi điều chỉnh quy định.

Giới kinh doanh ô tô đã qua sử dụng cho rằng, ngay cả khi tháng 7 âm lịch kết thúc và bước vào những tháng cuối năm thì thị trường ô tô nói chung cũng rất khó phục hồi và sôi động trở lại.

Hoàng Hiệp

Bạn có ý kiến hay góc nhìn gì về vấn đề này? Hãy để lại ý kiến trong phần bình luận. Mọi tin bài, video cộng tác xin gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!