Cái tên Wuling HongGuang Mini EV đã chính thức lộ diện sáng nay, 18/2 sau nhiều lời đồn đoán về ông lớn xe điện Trung Quốc tìm đường vào Việt Nam.

Mẫu xe ô tô điện mini này là sản phẩm hợp tác đầu tiên giữa Liên doanh GM (General Motors)- SAIC-Wuling (SGMW) đến từ Trung Quốc và đối tác tại Việt Nam- Công ty Cổ phần ô tô TMT.

Lễ ký kết hợp tác giữa TMT Motors và GM-(SAIC-Wuling)

Theo thoả thuận hợp tác giữa hai bên, liên doanh Trung Quốc sẽ cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam.

Mẫu xe sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên với công suất 30.000 xe/năm. Trong tương lai, quy mô nhà máy có thể được mở rộng thêm theo lộ trình hợp tác chiến lược với liên doanh GM-SAIC-Wuling.

Tại thời điểm này, TMT mới chỉ công bố hình ảnh xe concept và chưa tiết lộ cụ thể về phiên bản hay các thông số kỹ thuật của mẫu xe. Tuy nhiên, hãng này cho hay, phiên bản được sản xuất tại Việt Nam không giống như phiên bản đã sản xuất tại Trung Quốc. Các thông tin chi tiết về sản phẩm, giá bán của mẫu xe sẽ được đưa ra trong quý II/2023.

Mẫu xe điện Wuling HongGuang MiniEV sẽ là sản phẩm đầu tiên ra mắt khách hàng Việt.

Hongguang Mini EV là mẫu xe được nghiên cứu bởi liên minh GM-SAIC-Wuling, bán tại thị trường nội địa Trung Quốc từ tháng 7/2020. Mẫu xe có 4 phiên bản, bao gồm tiêu chuẩn, Macaron, Gameboy và Convertible, với giá bán dao động từ 32.800 - 99.900 nhân dân tệ (113 - 346 triệu đồng).

Wuling Hongguang Mini EV đã làm nên "hiện tượng" với doanh số xấp xỉ 100 ngàn chiếc chỉ trong chưa đầy nửa năm ra mắt. Đến hết tháng 1/2023, GM-SAIC-Wuling công bố mẫu ôtô điện giá rẻ này đã đạt 1,1 triệu xe. Nhà sản xuất tính toán, cứ 20 giây lại có 1 chiếc xe được bán ra, trở thành chiếc ô tô điện bán chạy nhất toàn cầu.

Số liệu Jato công bố cho thấy, Wuling HongGuang MiniEV là mẫu xe điện mini bán chạy nhất thế giới trong 3 năm 2020, 2021, 2022.

Tại Trung Quốc, xe được thiết kế giống như một mẫu xe cỡ A nhưng mang dáng kiểu hình hộp nhằm tối ưu không gian. Các chi tiết cũng được tối giản và không có nhiều công nghệ. Trang bị đủ dùng gồm kính chỉnh điện, điều hoà một vùng, âm thanh radio và có thể nâng cấp lên màn hình cảm ứng. 

Sức mạnh của Wuling Hongguang Mini EV đến từ mô-tơ điện công suất cực đại 27 mã lực ở 3 bản tiêu chuẩn, Macaron, Convertible và 41 mã lực ở bản Gameboy. Mẫu xe sử dụng pin lithium và LFP, quãng đường di chuyển từ 120 - 300 km sau khi sạc đầy.

Mẫu xe Wuling HongGuang MiniEV sản xuất tại Việt Nam sẽ có 4 chỗ ngồi

Sau thành công ở Trung Quốc, ô tô điện Wuling đã "đổ bộ" vào Indonesia như một chiến lược sớm chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á. Xe Wuling bán tại đất nước "vạn đảo" đều được lắp ráp tại chỗ với tỷ lệ nội địa hóa lên tới 40%, đủ điều kiện xuất khẩu trong khu vực hưởng thuế nhập khẩu 0% theo cam kết thuế trong ASEAN.

Tại Việt Nam, tháng 8/2021, Wuling HongGuang MiniEV từng được Công ty Thái Hưng (Thái Bình) nhập khẩu theo diện tạm nhập tái xuất, phục vụ cho nghiên cứu phát triển xe điện.

Như vậy, thị trường Việt Nam sẽ chính thức có 2 thương hiệu xe điện là Wuling và Vinfast. Hãng ô tô Việt Vinfast được thành lập từ năm 2019 và đến năm 2021, chuyển hướng hoàn toàn sản xuất từ xe xăng sang xe điện.

Các dòng sản phẩm ô tô điện Vinfast hướng tới phân khúc tầm trung và hạng sang, trong khi Wuling định vị là phân khúc ô tô điện giá rẻ và hiện nay, thương hiệu này có mức giá rẻ nhất thế giới. 

Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư và sản xuất ô tô từ nước ngoài, trong đó có ô tô điện. Năm 2021-2022, một đối tác đến từ Hàn Quốc là công ty Cevo cũng đã vào Việt Nam trưng bày mẫu ô tô điện mini với giá chỉ khoảng 5.000 USD. Công ty Hàn Quốc có kế hoạch phân phối và sản xuất ô tô điện mini tại Việt Nam nhưng đến nay, vẫn chưa chốt được đối tác nào. 

Hàng loạt thương hiệu lớn khác của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc như Chery, BYD hiện cũng đang thăm dò và bày tỏ kế hoạch sẽ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất ô tô. 

Trước đó, nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc (xe xăng) như Zotye, BAIC, Beijing X7... vào Việt Nam nhưng chưa thực sự thành công. Các mẫu có ưu điểm chung là giá cực rẻ, kiểu dáng đẹp nhưng chất lượng vẫn luôn khiến người dùng Việt Nam băn khoăn. Độ bền thấp, độ mất giá nhanh và thiếu cơ sở bảo dưỡng, bảo hành là điểm trừ của hầu hết các dòng xe Trung Quốc. Đa phần xe được nhập bởi nhà nhập khẩu tư nhân.

Liên doanh GM - (SAIC - WULING) được thành lập vào năm 2002, là sự hợp tác của 3 hãng gồm: General Motors - Mỹ (giữ 44% cổ phần), SAIC Motor (giữ 50,1%) và Wuling Motors (giữ 5,9%). Theo lInsideEVs, đây là nhà sản xuất xe ô tô điện đứng thứ 3 thế giới với hơn 480 nghìn xe điện bán ra trong năm 2022, đứng sau BYD và Tesla. Trong khi đó, đối tác Việt Nam- TMT được thành lập từ năm 1976, chuyên sản xuất các dòng xe tải.

Đình Quý

Bạn có bình luận thế nào về việc ô tô điện mini của Trung Quốc sắp bán tại Việt Nam? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!