TQ không nên bắt nạt các nước láng giềng như Việt Nam hay Philippines trong các tranh chấp lãnh hải. Vấn đề này nên được giải quyết dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế - Tổng thống Mỹ Obama khẳng định.

Trả lời câu hỏi của phóng viên CNN sau chuyến công du tới Ấn Độ, Tổng thống Mỹ đã thể hiện sự ngạc nhiên về phản ứng của TQ về chuyến thăm này.

"Tôi thấy ngạc nhiên khi nghe rằng, chính phủ TQ tuyên bố cảm thấy bị đe dọa vì chúng tôi có mối quan hệ tốt với Ấn Độ”, ông nói.

{keywords}

Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Zeenews

“Tôi tin tưởng rằng vào thời điểm này của lịch sử đang tồn tại cơ hội để tạo ra một môi trường mà các bên đều chiến thắng, trong đó tất cả các quốc gia đang cùng bị ràng buộc với một bộ nguyên tắc và tiêu chuẩn. Chúng tôi tập trung vào việc nâng cao thịnh vượng cho người dân, không bắt người khác phải trả giá mà là cùng nhau phát triển. Đó là những gì diễn ra trong cuộc thảo luận của tôi với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi”, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh. “TQ không cần phải cảm thấy bị đe dọa bởi mối quan hệ tốt đẹp Mỹ - Ấn”.

Ông Obama khẳng định, Mỹ mong muốn chứng kiến sự gia tăng hòa bình của TQ. "Như những gì tôi nói khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình là TQ không thể bắt các nước khác trả giá cho sự phát triển của mình. Họ không nên bắt nạt các nước như Việt Nam hay Philippines trong vấn đề hàng hải, mà cần nỗ lực giải quyết vấn đề một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế. Họ cũng không nên thao túng tiền tệ của mình để có được những lợi thế riêng mà nước khác không có”, ông nói.

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Với TQ, tôi chỉ muốn chắc chắn rằng chúng tôi tiếp tục duy trì một mối quan hệ mang tính xây dựng”.

Trong khuôn khổ chuyến thăm New Delhi, Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ đã ra tuyên bố mang tên Tầm nhìn chiến lược chung về các khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Tuyên bố khẳng định, thịnh vượng khu vực phụ thuộc vào an ninh: "Chúng tôi khẳng định tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh hàng hải, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong suốt khu vực, nhất là ở Biển Đông. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, theo đuổi cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải thông qua mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với những nguyên tắc đã được luật pháp quốc tế công nhận, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển”.

Ngay sau đó, TQ lập tức có phản ứng. Bộ Ngoại giao TQ cho rằng, họ tin là Mỹ-Ấn không cần phải lo lắng về tình hình hàng không, hàng hải ở vùng tranh chấp Biển Đông. Nước này đưa ra tuyên bố như bao lần trước rằng, “các tranh chấp có liên quan cần được giải quyết giữa các bên có liên quan trực tiếp”.

Theo giới phân tích, trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, TQ luôn thiên về cách giải quyết song phương với các nước có tuyên bố chủ quyền. Đây là chiến thuật “chia để trị” khi TQ có được lợi thế nước lớn trên bàn đàm phán với các nước nhỏ hơn trong khu vực.

Thái An (theo Zeenews, Timesofindia)