Theo New York Times, Trung Quốc hiện được cho là sẽ phải đối mặt với một chính quyền mới với lập trường cứng rắn không kém gì chính quyền tiền nhiệm của Mỹ.
Dù không ít người hoan nghênh sự thay đổi trong giọng điệu của chính phủ Mỹ so với chính quyền Tổng thống Trump, thì vẫn còn nhiều người không dám mong đợi khả năng Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ nhanh chóng đảo ngược các chính sách đối đầu mà người tiền nhiệm của ông từng áp dụng.
Người dân Bắc Kinh theo dõi tin ông Biden chiến thắng. Ảnh: AP |
Nhiều chuyên gia nhận định, nếu không có những nhượng bộ đáng kể từ chính phủ Trung Quốc, điều dường như khó có thể xảy ra, thì những căng thẳng cơ bản giữa hai nước sẽ ngày càng leo thang, thậm chí còn trở nên rõ ràng hơn về các vấn đề thương mại, công nghệ, mối quan hệ với Đài Loan và các vấn đề khác.
“Khúc quanh nguy hiểm”
Kể từ thời điểm ông Joe Biden tuyên bố đắc cử tổng thống, phản ứng của Trung Quốc tương đối im ắng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9/11 cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao khác đều chưa đưa ra lời chúc mừng công khai, mà chỉ đang chờ đợi một động thái nhượng bộ chính thức từ ông Trump.
Trong khi một số quan chức Trung Quốc kêu gọi Mỹ giảm căng thẳng bằng cách nối lại các cuộc đàm phán, thì những người khác đang chuẩn bị cho những thách thức lớn hơn, đặc biệt là về các vấn đề công nghệ và an ninh. Họ lo ngại rằng, ông Joe Biden sẽ phối hợp hiệu quả hơn với các đồng minh ở châu Âu và những nơi khác, trong việc đối đầu với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ông Yang Yi, một đô đốc hải quân đã nghỉ hưu và là cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, từng đưa ra cảnh báo trước thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ rằng, “quan hệ Trung - Mỹ đang ở một khúc quanh rất nguy hiểm”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi 2017. Ảnh: New York Times |
“Rất khó để cả hai nước lùi bước khỏi các mục tiêu chiến lược đã định. Sau dịch Covid-19, những căng thẳng mang tính cơ bản giữa Trung Quốc và Mỹ thậm chí còn gay gắt hơn, và sẽ rất khó để “các biện pháp kỹ thuật” có thể giải quyết hoặc xoa dịu chúng”, ông Yang cho biết trên Thời báo Hoàn cầu.
Không gian “dễ thở”
Dù vậy, Bắc Kinh vẫn có lý do để kỳ vọng vào nhiệm kỳ sắp tới của ông Joe Biden, khi Tổng thống mới đắc cử của Mỹ được cho là đưa ra tương đối ít đề xuất cụ thể trong việc đối phó với Trung Quốc.
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng của mình, ông Biden cũng đề cập rất ít về các chính sách đối ngoại, mà chỉ nêu bật ưu tiên hàng đầu của mình là đối phó với dịch Covid-19 ngay tại nước Mỹ. Có thể phải mất vài tháng nữa, chính phủ sắp tới của ông Biden mới có thể hướng sự chú ý sang mối quan hệ địa chính trị đáng lo ngại nhất của nước Mỹ.
Ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình hồi năm 2013. Ảnh: New York Times |
Chiến thắng của ông Biden cũng thắp lên hy vọng rằng, Mỹ và Trung Quốc có thể nối lại hợp tác chí ít trên một số vấn đề, đặc biệt là biến đổi khí hậu và phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và Iran. Điều này đã được Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nêu rõ thông điệp chúc mừng gửi tới ông Biden trên Twitter.
Dù vậy, Ngoại trưởng Heiko Maas cũng cho rằng, Đức sẽ tiếp cận chính quyền mới của Mỹ cùng với những chính sách được đề xuất để đối phó với “các bên như Trung Quốc”. Điều này cho thấy quan điểm ngày càng cứng rắn của châu Âu là tín hiệu đáng ngại đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Cliff Kupchan, Chủ tịch tập đoàn tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho rằng Trung Quốc sẽ hoan nghênh việc tạo một “không gian dễ thở” vừa để xoa dịu căng thẳng với Mỹ, vừa giúp nước này có thêm thời gian để củng cố sức mạnh về kinh tế và quân sự. “Họ ngày càng lo ngại về một cuộc khủng hoảng với Mỹ. Họ biết họ vẫn đang yếu thế hơn”, ông Cliff Kupchan nói trong một cuộc trao đổi qua điện thoại với New York Times.
“Hành tinh” Trung Quốc
Dù giới chức Trung Quốc liên tục tuyên bố họ không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, và xem đây như một vấn đề nội bộ do người Mỹ quyết định, song một kết quả có lợi nhất đối với Trung Quốc vẫn là điều giới lãnh đạo nước này mong muốn.
Những thất bại của Mỹ trong việc làm chậm sự bùng phát của virus corona, cũng như các cuộc biểu tình mang tính bạo lực của nước này vào thời điểm giữa năm 2020, đã trở thành chủ đề được Trung Quốc tuyên truyền kể từ khi nước này được cho là đã kiểm soát phần nào đà lây lan của Covid-19.
Theo bà Jessica Chen Weiss, giáo sư khoa Chính trị tại Đại học Cornell (Mỹ), sự lây lan không kiểm soát của virus corona, cùng những hỗn loạn về chính trị liên tiếp xảy ra ở Mỹ…đã củng cố thêm những quan điểm từ phía Bắc Kinh rằng Mỹ đang yếu đi.
“Vì vậy, ngay cả khi giới lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy nhiều nguy cơ trong nước và quốc tế, nước này vẫn ngày càng tự tin hơn trong nỗ lực chống đỡ những áp lực quốc tế đối với mình”, Weiss cho biết.
Theo New York Times, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thành công trong việc vận dụng những tín hiệu tích cực trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Trung Quốc để thúc đẩy một chương trình nghị sự về chính trị và kinh tế, giúp nước này bớt phụ thuộc vào phần còn lại của thế giới trong các lĩnh vực quan trọng, bao gồm cả công nghệ.
Vào trước ngày bầu cử tại Mỹ, tạp chí Cầu Thị của Trung Quốc đã đăng một bài phát biểu từ tháng 4 của Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, Trung Quốc nên tăng cường sự “thống trị “của mình trong các chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu, như một vũ khí tiềm năng để chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài.
Trong khi Mỹ hiện đang bước vào một quá trình chuyển giao quyền lực có thể sẽ rất hỗn loạn, ông Tập Cận Bình đã tiến hành một kế hoạch 5 năm mới, với định hướng bắt đầu từ năm 2021. Đề cương của kế hoạch này đã được công bố vào đúng ngày bầu cử ở Mỹ.
Theo Rodney Jones, một nhà kinh tế tại Wigram Capital Advisors, Trung Quốc hiện tại “giống như đang ở một hành tinh khác, và đó chính xác là những gì ông Tập Cận Bình mong muốn."
Người dân có thờ ơ?
Chính phủ Trung Quốc cũng cố gắng hạ thấp vai trò của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đối với người dân nước mình. Hầu hết các tin tức về tình hình bầu cử chỉ được xuất hiện ở phần cuối của các bản tin vào buổi đêm.
Thậm chí, thay vì đưa tin về chiến thắng của ông Biden vào hôm 8/11, tất cả các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đều đưa tin về những chỉ thị của ông Tập, được ban hành vài ngày trước, cho một tuyến đường sắt nối tỉnh Tứ Xuyên với khu tự trị Tây Tạng.
Dù vậy, người Trung Quốc không hề thờ ơ với cuộc đua vào Nhà Trắng. Cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đều nằm trong số những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên các mạng xã hội của nước này.
Với những sinh viên Trung Quốc có ý định du học tại Mỹ, cuộc bầu cử này có ý nghĩa quan trọng đối với thị thực của họ, điều đã bị chính quyền Tổng thống Trump hạn chế một cách nghiêm ngặt.
Nathan Gao một sinh viên ở tỉnh Sơn Đông có ý định du học, cho biết: “Dù ông Biden cũng sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc khi lên nắm quyền, nhưng chính sách của ông ấy đối với sinh viên quốc tế có thể sẽ được nới lỏng.”
Một nhà hàng mỳ bình dân ở Bắc Kinh, nơi ông Joe Biden từng đến thăm vào năm 2011 khi còn là Phó Tổng thống Mỹ, đang đắt khách hơn thường lệ khi ông Biden đắc cử tổng thống Mỹ. Bà Sunny Gao, một thực khách tại nhà hàng, chia sẻ:
“Tôi thấy nhiều bài báo nói rằng ông Biden là một người cha tốt. và thực sự yêu quý gia đình của mình. Nên tôi hy vọng ông ấy cũng sẽ đối xử tốt một chút với Trung Quốc".
Việt Anh
Ông Biden nói về việc Tổng thống Trump không nhận thua
Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden gọi việc ông Trump từ chối nhận thua trong cuộc bầu cử vừa qua là một sự bối rối, sẽ phản ánh không tốt về di sản của ông Trump trong nhiệm kỳ.
Ông Biden cân nhắc đòn pháp lý chống trì hoãn chuyển giao quyền lực
Nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Joe Biden đang cân nhắc hành động pháp lý chống cơ quan liên bang trì hoãn việc công nhận ông thắng Tổng thống đương nhiệm Donald Trump trong tổng tuyển cử 3/11.