Làm thay phần vợ

Vừa qua, chị Lê Thị Thương (SN 1997, Bỉm Sơn, Thanh Hóa) chia sẻ câu chuyện bố ruột một mình vào viện chăm chị sinh mổ bé thứ hai khiến cộng đồng mạng xúc động.

Tại bệnh viện, ông Lê Duy Tân (SN 1976, bố của Thương) một mình chăm cả con gái lẫn cháu ngoại.

Trước đó, vì lý do riêng chị Thương và chồng tạm thời không sống cùng nhau. Theo sắp xếp ban đầu, khi vào viện sinh lần 2, chị sẽ được mẹ ruột chăm sóc. Ông Tân ở nhà đưa con đầu lòng của Thương đi học.

Chị Thương và bố trong bệnh viện.

Thế nhưng đến ngày gần sinh, con trai chị Thương bất ngờ phát sốt, phải nằm viện. Chị kể: “Con chỉ quấn bà ngoại. Bà cũng thạo việc chăm cháu hơn nên tôi quyết định đi sinh một mình. Thương tôi, mẹ chỉ biết khóc. Còn bố tôi không nói gì. Vậy mà, sau đó bố lại lặng lẽ đến viện vào ngày tôi sinh mổ.

Bước ra khỏi phòng mổ, những người khác có chồng, mẹ đẻ... đến chăm. Còn tôi lại là bố. Nhìn bố lủi thủi một mình, tay xách nách mang, tôi thương lắm nhưng không dám khóc. Cố nén nước mắt, tôi cười và nói: “Con không đau đâu” để ông đỡ lo”.

Suốt thời gian Thương nằm viện, một mình ông Tân chăm cả con gái lẫn cháu ngoại mới sinh. Gần 50 tuổi nhưng ông Tân chưa chăm trẻ sơ sinh lần nào. Thế nên, khi chăm cháu, ông lóng ngóng, bế còn sợ cháu rơi.

Tuy vậy, ông vẫn cố gắng học cách chăm cháu từ các y tá. Mỗi khi đứa bé khóc, ông lại chạy đi nhờ y tá pha sữa rồi mang về phòng cho cháu ăn. Thấy bé ngủ hay giật mình, ông Tân không dám chợp mắt mà thức trắng ngồi canh.

Ông thương cháu đến nỗi không dám ăn vì sợ đang ăn thì cháu dậy đòi sữa. Thế nên ông luôn đợi cháu ăn no, ngủ say rồi mới nghĩ đến bản thân mình.

Ông Tân học cách chăm sóc cháu ngoại, chăm con gái trong bệnh viện.

Có hôm đói, ông chỉ khẽ khàng pha mì tôm chứ không dám lên căng tin ăn vì sợ gây tiếng động làm cháu thức giấc. Ông cũng lo "nhỡ 2 mẹ con Thương cần gì lại không kịp có mặt".

Hy sinh thầm lặng

Thương chia sẻ: “Lúc người ta mang cơm đến, bố sợ tôi đau nên đỡ dậy. Bố còn dọn ra cho tôi ăn ngay trên giường rồi lại tự dọn đi… Đêm con khóc, bố cũng tự dỗ chứ không gọi tôi vì muốn để tôi nghỉ ngơi. Ông cứ quanh quẩn với 2 mẹ con tôi. Lo xong cho con, cháu, bố mới ăn uống.  

Rồi bố học các y tá cách chăm cháu. Y tá làm gì, bố chăm chú nhìn để biết cách làm theo. Sau đó, ai cũng khen "ông chăm cháu cẩn thận, chu đáo”".

Sau ít ngày nằm viện, mẹ con Thương và ông Tân trở về nhà trong sự chào đón của gia đình. Về nhà, Thương có thêm mẹ ruột giúp chăm bé mới sinh. Ông Tân lên đồi, quay lại với công việc làm nông thường ngày.

Cuối cùng, ông thuần thục việc bế cháu, cho cháu uống sữa, điều ông chưa từng làm trước đây.

Tuy vậy, ông vẫn lặng lẽ đỡ đần cho vợ và con gái. Những lúc vợ nấu ăn, giặt quần áo, con gái bận việc, còn đau… ông Tân đều chủ động bế, chăm cháu. Hôm nào không đi làm, ông luôn dậy sớm nhất nhà để quét dọn, giặt quần áo, đi chợ… đỡ đần cho vợ.

Thương nói: “Lớn lên, tôi có khoảng cách, không nói chyện nhiều với bố. Ở nhà, bé đầu của tôi cũng hầu như được bà ngoại chăm sóc. Thỉnh thoảng, bé mới được ông ngoại chở đi chơi. Dẫu vậy, mỗi khi con hay cháu ốm, bố tôi đều chạy đi chạy lại lo mọi việc”.

Tôi và bố cũng hay bất đồng quan điểm nên hiếm khi gần gũi, chia sẻ. Nhưng nay bố bỏ ngoài tai mấy lời bàn tán “đàn ông ai đi chăm bà đẻ” để vào viện chăm con gái sinh khiến tôi xúc động đến trực trào muốn khóc.

Đúng là không đâu bằng bố mẹ, gia đình của mình. Tôi thực sự biết ơn vì bố mẹ đã không bỏ rơi mình”, chị nói thêm.