Những dòng tin nhắn lừa đảo trên mạng của cháu “có ông chú ở Viettel” ngang nhiên tồn tại nhiều tháng trời như thách thức lực lượng chức năng.

Trên truyền hình vừa có phóng sự đề cập việc bán buôn ở chợ Ninh Hiệp, một chợ vải lớn ở Hà Nội và cả nước. Phóng sự nói tới tình trạng buôn bán hàng nhái, hàng giả và sự lúng túng chính quyền sở tại cũng như ngành chức năng vì chưa biết xử lý như thế nào.

Sự lúng túng không phải không có những quy định để xử lý hàng giả, hàng nhái, song cũng như nhiều chính sách cứng rắn khác vừa thò ra phải rút lại vì cân nhắc giữa cái tình và cái lý; giữa sự nghiêm túc, chuẩn mực, văn minh và sự mưu sinh của nhiều tầng lớp người trong xã hội.

{keywords}

Mới đây công an đã bắt đối tượng lừa đảo trên mạng mạo danh là cháu “có ông chú ở Viettel”.  Hình thức lừa đảo là nhắn tin để được khuyến mại thẻ cào. Dù mất cả năm trời, một khoảng thời gian quá dài để đội ngũ an ninh mạng dò tìm tung tích kẻ gian, nhưng người dân vẫn rất mừng khi tóm được 2 kẻ lừa đảo.

Có ý kiến là nếu xử 2 kẻ lừa đảo trên mạng kia thì cũng phải có hình thức thích đáng với những những nạn nhân đã bị 2 kẻ gian kia lừa đảo. Cho dù những nạn nhân sập bẫy vì lòng tham (và vì cả sự hồn nhiên ngây thơ của họ nữa) thì ý kiến này cũng rất đáng suy nghĩ, ít nhất là nó nhắc nhở hành vi tiếp tay cho kẻ gian, bất luận vô tình hay hữu ý.

Cố tình tiếp tay cho kẻ gian là đồng loã, tòng phạm. Nhưng với những người không hay biết đó là đồ gian (mà vẫn tiêu thụ hoặc kinh doanh) thì cần phải có giải pháp để minh bạch nguồn hàng, giúp người mua hoặc kinh doanh tránh phải mua nhầm đồ đi ăn trộm.

Nạn trộm chó và những cái chết đau lòng của cả kẻ trộm lẫn người dân bắt trộm diễn ra ròng rã nhiều năm ở khắp cả nước nhưng nhà chức trách dường như vẫn bó tay.

Nếu người kinh doanh thịt chó có ý thức không mua chó của bọn ăn cắp, thông tin cho công an đối tượng khả nghi, đồng thời cơ quan chức năng có giải pháp nào đó để buộc người kinh doanh phải chứng minh được nguồn gốc thì nạn trộm chó chắc không tung hoành dữ tợn như hôm nay.

Ở Hà Nội cũng như một vài thành phố lớn khác, nếu bạn bị “vặt” phụ tùng xe như biển số, gương,logo… thì người ta thường chỉ bạn ra chợ trời. Có thể sau khi mất 10 phút, đồ ăn cắp ấy đã có mặt ở chợ trời.

Rõ ràng có cả một thị trường lớn tiêu thụ và buôn bán của gian thì việc kẻ gian tiếp tục ngỗ ngược tung hoành là điều chẳng có gì khó hiểu. Câu cửa miệng thời thị trường: Có cầu ắt có cung.

Đến cái chợ to đùng như Ninh Hiệp bày bán công khai đủ các sản phẩm nhái thương hiệu quần áo nổi tiếng như Gucci, Levis, Lacoste… mà ngành chức năng và chính quyền còn bó tay thì mấy cái chợ trời hoạt động chui lủi, mờ ám kia sẽ còn tồn tại dài dài.

Trở lại với việc lừa đảo trên mạng của cháu “có ông chú ở Viettel”. Những dòng tin nhắn lừa đảo như thế ngang nhiên tồn tại trên mạng nhiều tháng trời như thách thức lực lượng chức năng. Công an thì vất vả truy tìm dấu vết còn nhà mạng thì cứ như người ngoài cuộc.

Hình như chưa có một lời cảnh báo nào từ phía công an hoặc nhà mạng với hành vi lừa đảo này? Mọi sự đều phó mặc cho sự “thông thái” của “thượng đế”. Sự chậm chễ và thờ ơ như thế, bảo là một dạng tiếp tay thì hơi quá, nhưng thực sự rất đáng tiếc. Kẻ gian chỉ chờ đợi cơ hội này để tác oai tác quái.

Chúng ta chưa quên người Nhật đã đưa ra xét xử mấy vụ ăn cắp hàng trong siêu thị có liên quan tới người Việt Nam. Các tình tiết của vụ án đều cho thấy số hàng hoá ăn trộm bị phát hiện khi đang trên đường đem về Việt Nam tiêu thụ. Bởi ở Nhật không có chỗ cho kẻ gian tiêu thụ đồ gian. Chính vì thế đất nước này hầu như không có nạn trộm cắp, nhất là trộm cắp vặt.

Mà đồ gian ở ta thì nhiều lắm! Không phải chỉ có cầm nắm được mới là đồ  gian, nhiều thứ “phi vật thể” cũng được xếp vào nhóm “đồ gian” như phần mềm chùa, báo cáo thi đua chạy theo thành tích, xét xử chạy theo thành tích dẫn tới án oan, bằng rởm, thủ thuật trong tài chính, điểm số ảo, số liệu ảo, danh hiệu ảo…

Vậy đó!  Chừng nào còn hùa theo, còn dung túng, còn sử dụng đồ gian, hàng nhái, đồ giả thì chừng đó còn kẻ gian và tội ác. Cũng xin nói thêm, tỷ lệ thuận với sự phong phú và đa dạng của “đồ gian”, “kẻ gian” hôm nay cũng không chỉ mang bộ mặt gớm ghiếc nữa mà rất có thể còn khoác trên mình bộ cánh thơm tho, kính đeo trên mắt, bút cài trước ngực và nói những lời có cánh./.

Theo Ngô Thiệu Phong/VOV