- Lời Tòa soạn: Sau khi bài:TQ thắng thầu đường ống nước Sông Đà 2 và nỗi lo của dân  xuất bản trên trang Bạn đọc, hàng trăm ý kiến đã gửi về Tòa soạn lo lắng cho chất lượng đường ống. Xét thấy đây là vấn đề hệ trọng, bước đầu chúng tôi xin tổng hợp  ý kiến thành các chủ đề. Nếu bạn đọc phản hồi thành bài, chúng tôi cũng sẽ lần lượt xuất bản.

 Cần sáng suốt chọn lựa

Trước hết, phải thấy phần lớn ý kiến phản hồi của Bạn đọc là nhất trí cao đối với bài viết của “Trần Tâm”. Bạn Nguyễn Vĩnh Trần nhận định: Bài viết của "Trần Tâm" phản ánh đúng suy tư của cả hơn 90 triệu dân Việt Nam! Các bạn đọc Việt, Nguyễn Văn Thao, Trần Thị Mai còn nhấn mạnh: “Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của bài viết”; “Tôi hoàn toàn ủng hộ tác giả của bài viết này”; “Ủng hộ bài viết”. Các Bạn đọc này cũng nêu rõ: “Đối với dự án liên quan đến sức khỏe của người dân Thủ đô như đường ống nước sông Đà này, vì sức khỏe con em chúng ta, đề nghị các vị lãnh đạo Hà Nội hãy sáng suốt quyết định; người dân chúng tôi đề nghị không nên dùng vật tư của Trung Quốc; không nên liên tục phải rút kinh nghiệm  …”.

{keywords}
Một lần lần khắc phục vỡ đường ống nước sông Đà

Sở dĩ như vậy, vì phần lớn phản hồi của Bạn đọc như Ngô Phương Bảo, Thái Sơn. Minh Dung, Dân Hùng, bạn Khương, Văn Chương, Hai Lúa, Nguyên Loan… đều chung nỗi lo lắng vấn đề chất lượng đường ống của Trung Quốc, nhất là nỗi lo liệu có bảo đảm an toàn? Bạn Nguyên Loan nhấn mạnh rằng: Vấn nạn về thực phẩm bẩn còn đang chưa có biện pháp giải quyết, giờ lại dùng đường ống của Trung Quốc để dẫn nước cho dân ăn uống và sinh hoạt, liệu nước có sạch? Bạn đọc Văn Chương nêu câu hỏi cảnh báo: “Ống gang dẻo có thực sự sạch? Kẻo dân Hà Nội lại phải dùng nước uống có nguy cơ gây ung thư như thịt lợn ăn chất cấm?”.

Lo ngại chất lượng, đề nghị cơ quan chuyên môn vào cuộc

Nhiều Bạn đọc chung lo nghĩ: Đồ dùng của Trung Quốc rất độc hại, vì hạnh phúc con em chúng ta nên tránh xa ra! Dùng đường ống của Trung Quốc là sẽ rất nguy hiểm tới sức khỏe của người dân. Một vài Bạn đọc cảnh báo xa: Để 5- 10 năm nữa khỏi phải đào lên kiểm tra xem có chất gây ung thư trong đường ống hay không? Chỉ có một Bạn đọc (Mini) là cho rằng: “Vật tư Trung Quốc cũng tốt”, nhưng ngay sau đó lại lo ngại “khi làm riêng cho Việt Nam họ sẽ làm không tốt”.

Có lẽ vì thế, bạn đọc Thái Sơn có ý kiến hơi “cực đoan”: “Thà khoan giếng rồi lọc mà dùng còn hơn nơm nớp sống với đường ống Trung Quốc. VINACONEX hãy trả lại dự án cho Hà Nội, lẽ nào Hà Nội không làm được cái quan trọng nhất của cuộc sống cho dân?

Xung quanh vấn đề nhờ giá rẻ mà nhà thầu Trung Quốc thắng thầu, nhiều Bạn đọc cũng đưa ra những ý kiến phân tích. Bạn đọc Ngô Phương Bảo: Đã bao bài học với các công trình thắng thầu của Trung Quốc nhờ giá rẻ rồi. Hậu quả thì nhỡn tiền mà Vinaconex vẫn chưa rút ra bài học hay sao? Hãy tỉnh táo vì sinh mạng của hàng triệu người dân Hà Nội phải dùng nước qua đường ống bằng gang của Trung Quốc! Bạn đọc Danduong: Ham rẻ rồi sau này lại vác tiền ra sửa chữa thì quá tội, thà làm đắt một lần, cho sau này không phải lo nghĩ. Bạn Nguyễn Trai: Khoảng 10% tiết kiệm chi phí mà "mua" nỗi lo lắng về sức khỏe suốt đời của dân Thủ đô thì không nên “tiết kiệm”.

Bạn đọc Thế Hùng so sánh cụ thể hơn: Ham của rẻ, dự án đường sắt trên cao đó chưa sợ hay sao mà còn ham của rẻ Trung Quốc? Và Bạn này cảnh báo: Coi chừng tính mạng người dân khi dùng nước chảy qua đường ống rẻ đó đấy, coi chừng “chết từ từ” mà không hay đấy!

Bạn đọc Xuân Ngọc theo dõi rất sát vấn đề này, lên tiếng: “Theo bài trả lời PV đăng sáng 24/3 thì có 14 nhà thầu mua HSMT, có 4 nhà thầu nộp HSDT. Nhưng chỉ có 1 nhà thầu vượt qua vòng 1-kỹ thuật. Kể cả 1 nhà thầu Pháp cũng rớt vòng này”. Bạn đọc này thắc mắc: “Đường ống của VN chắc loại siêu nhất thế giới, khó làm nhất TG hay sao mà các nhà thầu khác ... rớt hết, chỉ có mỗi nhà thầu TQ vào vòng 2-giá”. Và, Bạn đọc này tự lý giải: “Cái vụ dùng điều kiện tiên quyết để loại địch thủ, nâng gà nhà trong đấu thầu, thì có gì lạ đâu”?

Vì vậy, đa số ý kiến phản hồi của Bạn đọc đề nghị Hà Nội kiểm tra lại chất lượng đường ống của nhà thầu Trung Quốc và nên để các cơ quan khoa học có đủ điều kiện phân tích, kiểm tra chất lượng đường ống vào cuộc, bảo đảm sức khỏe cho người dân trong những năm tới.

Ban Bạn đọc