Theo Sở GDCK TP.HCM (HOSE), ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC (FLC) đã mua thành công 1,1 triệu cổ phiếu, tương đương 7,97% vốn điều lệ CTCP Đầu tư Khai khoáng & Quản lý Tài sản FLC (GAB) qua đó trở thành cổ đông lớn từ ngày 4/3/2020.
Tổ chức có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết là Tập đoàn FLC cũng đang sở hữu 2,34 triệu cổ phiếu GAB (tỷ lệ 8,99% vốn).
Tính tới cuối phiên giao dịch 4/3, cổ phiếu GAB có mức giá giá 116.500 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, nếu tính theo mức giá này, ông Trịnh Văn Quyết đã bỏ ra gần 130 tỷ đồng để có thể sở hữu 8% cổ phiếu GAB như trên. Còn nếu cách đây 3 tháng, số tiền chỉ là khoảng 13 tỷ đồng và cách đây 2 tháng, số tiền chỉ là khoảng 26 tỷ đồng.
Cổ phiếu GAB đã có một chuỗi ngày tăng giá hiếm có trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ trong vòng 3 tháng, cổ phiếu này đã tăng hơn 10 lần, từ mức trên tham chiều 10.000 đồng/cp lên mức 116.500 đồng/cp như hiện tại.
Trong 7 phiên gần đây, mặc dù TTCK chịu áp lực giảm giá từ tác động tiêu cực của dịch Covid-19, cổ phiếu GAB vẫn có 4 phiên tăng điểm từ 6,1-6,6%/phiên và một phiên tăng 4,9%.
Không chỉ GAB, hàng loạt các cổ phiếu liên quan đến FLC” của tỷ phú Trịnh Văn Quyết cũng đồng loạt tăng giá mạnh, đi ngược xu hướng trên thị trường chung.
Trong phiên 4/3, cổ phiếu FLC cũng tăng trần thêm 7% lên 4.140 đồng/cp và đầu giờ sáng 5/3, cổ phiếu FLC tiếp tục ghi nhận thêm 1 phiên tăng trần lên 4.400 đồng/pc.
Ông Trịnh Văn Quyết. |
Cổ phiếu Xây dựng FLC Faros (ROS) liên tục tăng trong những phiên gần đây, với 1 phiên tăng trần 7% hôm 4/3 và đầu giờ sáng 5/3 tiếp tục tăng thêm 5% lên 8.360 đồng/cp.
Cổ phiếu Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) tăng trần 6 trong 8 phiên gần đây và từ đầu tháng 2 cho tới giờ đã tăng gần 80% từ mức 1.600 đồng/cp lên 2.860 đồng/cp.
Cổ phiếu KLF của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS cũng tăng trần 3 phiên liên tiếp và hiện lên 1.700 đồng/cp. Chứng khoán BOS (ART) cũng ghi nhận 3 phiên tăng trần lên 3.000 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu liên quan đến FLC liên tục tăng trần, đặc biệt là cổ phiếu GAB, trong bối cảnh ông Trịnh Văn Quyết liên tục công bố những kế hoạch mới.
Mới đây, GAB đã thông qua nghị quyết HĐQT về chủ trương nghiên cứu và đề xuất đầu tư đối với dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió tại tỉnh Bạc Liêu. Quy mô dự án dự kiến tối thiểu 200ha, tổng mức đầu tư cho xây dựng nhà máy và thiết bị lắp đặt công nghệ cao không thấp hơn 5 ngàn tỷ đồng.
GAB cũng có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn gấp 5 lần lên 690 tỷ đồng.
Năm 2019, doanh thu thuần cả năm của công ty đạt gấp hơn 2 lần năm trước. Lãi sau thuế đạt 16,6 tỷ đồng, gấp gần 1,7 lần năm 2018.
Hôm 2/3, CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) cũng đã ban hành Nghị quyết về việc thông qua chủ trương sáp nhập vào GAB. Cổ phiếu AMD có giá dưới 3.000 đồng/cp, trong khi GAB có giá trên 100 ngàn đồng/cp.
Hôm 3/3, HOSE cho biết đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu FLC Homes. Trước đó, tại buổi roadshow được tổ chức vào cuối năm 2019, Ông Trịnh Văn Quyết cho biết sẽ đưa cổ phiếu niêm yết trên HoSE với giá chào sàn 35.000 đồng/cp.
FLC Homes hiện có vốn điều lệ 4.160 tỷ đồng, tương ứng 416 triệu cổ phiếu đăng ký niêm yết. Theo báo cáo hợp nhất năm 2019, FLC Homes đạt doanh thu 1.512 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 292 tỷ đồng.
FLC Homes gây nhiều chú ý với các mảng kinh doanh chiến lược. Nếu như FLC Beach & Golf Resort đã có chỗ đứng trên thị trường từ lâu với danh tiếng của chuỗi quần thể nghỉ dưỡng tại Hạ Long, Sầm Sơn, Quy Nhơn, thì FLC Residences nổi bật với hệ thống đô thị dịch vụ hiện đại, đồng bộ đang được triển khai trên cả nước như FLC Tropical City hay The Canava FLC Quy Nhơn...
Ông Quyết cũng tính đưa cổ phiếu BAV của Bamboo Airways lên sàn chứng khoán với mức giá được định giá khoảng 82.000 đồng và sẽ lên trên 100.000 đồng/cp trong năm 2020.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 5/3 nhiều cổ phiếu trụ cột tăng trở lại. VN-Index đang tăng khoảng 7 điểm sau khi TTCK Mỹ tăng trở lại.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh. BIDV tăng 800 đồng lên 46.950 đồng/cp. Vietcombank tăng 1.800 đồng lên 83.500 đồng/cp. VPBank tăng hơn 1.000 đồng.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.
Theo Rồng Việt, thị trường chứng khoán tiếp tục đi ngang trong phiên hôm nay, dấu hiệu tích cực vẫn chưa xuất hiện trong ngắn hạn, đồng thời nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bán ròng mạnh là những yếu tố bất ổn trong tình hình hiện nay. Các nhà đầu tư cá nhân hoặc những nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn cần quản trị danh mục của mình cẩn trọng, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính trong khoảng thời gian này để tránh rủi ro của thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/3, VN-Index giảm 1,24 điểm xuống 889,371 điểm; HNX-Index tăng 1,45 điểm lên 114,02 điểm. Upcom-Index tăng 0,07 điểm lên 55,54 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 5,0 ngàn tỷ đồng.
V. Hà