Nông trại của Dave Walton ở bang Iowa cách đây một năm phải chật vật đối phó với khó khăn khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu đậu tương.
Ảnh: CNN |
Giờ đây, Walton đang tìm kiếm khách hàng từ nước ngoài và số đậu tương anh thu hoạch tuần trước đã được chuyển ra sông Mississippi để tới một cảng xuất khẩu. Nhưng dẫu như vậy thì người nông dân này vẫn chưa thể quay trở lại như hồi trước thương chiến.
"Các vấn đề thương mại với Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết hết, nhưng tôi nghĩ ông Trump đã đạt được tiến bộ lớn và ông ấy có thể tiếp tục đà này nếu trúng thêm một nhiệm kỳ nữa", CNN dẫn lời Dave Walton. Cử tri độc lập này chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai. nhưng ông e rằng cựu Phó Tổng thống Joe Biden có thể sẽ yếu thế hơn ông Trump về thương mại.
Cuộc thương chiến giữa Washington và Bắc Kinh thời gian qua đã tác động đặc biệt lớn đến những người nông dân trồng đậu tương tại Mỹ. Giá đậu tương giảm mạnh, và lượng tồn kho lên đến mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại bắt đầu mua đậu tương của Mỹ đúng dịp thu hoạch mùa Thu năm nay. Và đây thực sự là tin tốt lành với người nông dân Mỹ - và với cả Tổng thống Trump, theo CNN. Nông dân vốn một trong những nhóm đối tượng ủng hộ chính của ông và họ cũng đóng vai trò then chốt tại các bang chiến địa vùng Trung Tây, nơi các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy cuộc chạy đua vào Nhà Trắng 2020 đang diễn ra sít sao hơn hồi năm 2016.
Tổng thống Trump đã rót hàng tỷ đôla tiền hỗ trợ liên bang cho nông dân vài năm qua, trong đó có khoảng 23 tỷ USD giúp bù đắp thiệt hại do thương chiến Mỹ - Trung gây ra và một khoản 10 tỷ USD khác hồi đầu năm nay nhằm giúp họ vượt qua đại dịch Covid-19.
Thêm một đợt trợ giúp khác liên quan đến Covid-19 mà Tổng thống Trump công bố hồi tháng 9 vừa qua đã giúp ông giành được sự tín nhiệm của những người làm nông ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng nổ, theo Purdue University-CME Group Ag Economy Barometer, nhóm đảm trách đánh giá nền kinh tế nông nghiệp Mỹ.
Mới 6 tháng trước, sự tín nhiệm này giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua. Đại dịch đã gây một cú sốc lên chuỗi cung ứng thực phẩm và một số nông dân thậm chí bị phá sản. Chương trình hỗ trợ liên bang đã giúp giảm bớt áp lực, nhưng tỷ lệ phá sản vẫn ở mức 8% trong khoảng thời gian 12 tháng tính đến tháng 6, theo Cục Nông trại (Farm Bureau). Sau đó, trận bão tháng 8 lại san phẳng nhiều diện tích cây trồng vùng Trung Tây.
Khi Tổng thống Trump đạt thỏa thuận thương mại "Giai đoạn Một" với Trung Quốc vào tháng 1, nhiều chuyên gia không tin hợp đồng mua nông sản số lượng lớn sẽ được thực hiện đúng như Bắc Kinh cam kết. Tính đến tháng 8, quốc gia châu Á mới chỉ mua lượng hàng trị giá 11 tỷ USD so với 36,6 tỷ USD đã đặt ra. Tuy vậy, một nửa nông dân Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ giữ lời, theo khảo sát của Purdue University.
Mục tiêu thương chiến của Tổng thống Trump là đạt một thỏa thuận lớn hơn với Trung Quốc, sẽ giải quyết được những gì mà chính quyền của ông coi là những hành xử thương mại bất công bằng, chẳng hạn như đánh cắp sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ép buộc. Tuy nhiên, các đòn ăn miếng trả miếng về thuế quan giữa hai bên đã khiến nông sản Mỹ chịu tác động lớn.
Các khoản viện trợ của chính quyền Trump đã giúp nông dân Mỹ trụ vững. Theo phân tích của Cục Nông trại, mặc dù doanh thu tiền mặt của nông trại dự kiến giảm xuống mức thấp nhất của một thập niên trong năm nay, các khoản thanh toán của chính phủ dự kiến sẽ khiến thu nhập ròng từ nông trại tăng 23%.
Thanh Hảo
Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump và đối thủ Biden bất phân thắng bại?
Một trường hợp hi hữu có thể xảy ra trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khi cả hai ứng viên có số phiếu ngang bằng nhau. Vậy ai sẽ là tổng thống?
Chiến thuật ông Trump áp dụng để giành lại các bang miền Trung Tây
Theo AP, Tổng thống Donald Trump dường như đã quay trở lại chiến thuật khiến cử tri Mỹ phải lo sợ trước đảng Dân chủ trong những phát biểu vận động của mình.