Smartphone Oppo bán chạy nhất Trung Quốc tháng 1/2021. (Ảnh: Shutterstock) |
Tháng 1 năm nay, lần đầu tiên Oppo trở thành thương hiệu smartphone số 1 Trung Quốc với 21% thị phần, theo hãng nghiên cứu Counterpoint Research. Doanh số công ty tăng 33% so với tháng trước đó nhờ sự xuất hiện của Reno 5. Vivo đứng thứ hai với 20% thị phần. Vivo, Oppo, OnePlus và Realme đều của BBK Electronics.
Huawei, vị vua một thời của Trung Quốc, rơi xuống hạng ba, cùng với Apple và Xiaomi, mỗi bên nắm 16% thị phần. Nhà phân tích Varun Mishra của Counterpoint nhận xét Xiaomi hưởng lợi lớn nhất từ sự sa sút của Huawei trên thị trường trực tuyến, còn Oppo và Vivo giành được thị phần ngoại tuyến.
Sau đợt cấm vận đầu tiên của Mỹ năm 2019, Huawei vẫn đủ sức chiến đấu. Sản phẩm của hãng được đánh giá cao, kết hợp với lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, với làn sóng cấm vận tiếp theo vào năm 2020, công ty bị chặt đứt nguồn tiếp cận linh kiện quan trọng, buộc phải bán thương hiệu bình dân Honor vào cuối năm.
Phó Chủ tịch phụ trách Thiết bị Bryan Ma của hãng nghiên cứu IDC cho rằng, điều may mắn với Huawei tại Trung Quốc là dịch vụ Google không phải chuyện to tát ở đây. Song, dự phòng linh kiện smartphone lại là vấn đề lớn. Ngay cả khi ký được thỏa thuận với nhà cung ứng trong năm nay, nhiều khả năng họ chỉ mua được công nghệ cũ như 4G thay vì đời mới nhất.
Nhà phân tích Mishra dự báo Huawei còn tiếp tục sa sút trong năm 2021, trong khi các đối thủ sẽ lấp đầy chỗ trống để lại. Từ tháng 5/2020, Oppo tăng cường tuyển dụng nhân viên bộ phận chip di động, tăng sản lượng thêm 50%.
Tại nước ngoài, Oppo và Vivo cũng vượt Huawei vào tháng 1 để chiếm vị trí thứ 4 và 5 trên toàn cầu, theo Counterpoint. Theo nhà phân tích Yang Wang của Counterpoint, doanh số của Xiaomi và Oppo dự kiến tăng 30% trong năm 2021, tiếp theo là Vivo. Cả ba hãng này đều tích cực quảng bá khắp thế giới, đáng chú ý nhất là tại châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông. Không chỉ có vậy, họ còn rất mạnh trong phân khúc tầm trung, vốn là địa hạt Huawei hoạt động tích cực nhất ở nước ngoài.
Số liệu quý IV/2020 của IDC cho thấy thị phần toàn cầu của Huawei giảm 42,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tây Âu là bằng chứng rõ nhất cho vết thương của công ty Trung Quốc. Nếu như quý I/2019, Huawei là thương hiệu smartphone lớn thứ hai ở đây với 28,3% thị phần, đến quý cuối năm 2020, họ chỉ đứng thứ tư với 3,9%.
Xiaomi là người đắc lợi nhất khi ghi nhận doanh số tăng trưởng 90% tại châu Âu trong năm 2020. Tại Mỹ Latinh, hãng này cũng lần đầu tiên đứng vị trí thứ ba trong quý IV/2020, sau Samsung và Motorola, và đứng thứ tư trong cả năm, theo Counterpoint. Huawei vẫn đứng thứ ba năm 2020 song chỉ đứng thứ năm vào quý cuối cùng.
Có thể nói, Huawei đã tuột dốc không phanh. Mới mùa hè năm ngoái, công ty còn vượt Samsung trở thành hãng smartphone bán chạy nhất thế giới. Song, lệnh cấm mới vào tháng 8 đã cướp đi tất cả.
Theo Nikkei, Huawei chỉ sản xuất từ 70 đến 80 triệu thiết bị năm nay, giảm mạnh từ 189 triệu máy năm 2020. Hãng nghiên cứu TrendForce dự đoán Huawei đứng hạng 7 trên thị trường smartphone toàn cầu năm 2021.
Nguồn cung điện thoại Huawei giảm mạnh buộc các nhà bán lẻ phải đóng cửa hàng tại Trung Quốc hoặc chuyển sang kinh doanh thương hiệu khác. Bất chấp điều đó, Huawei vẫn cam kết gắn bó với thị trường smartphone. CEO Nhậm Chính Phi hồi tháng 2 tuyên bố không từ bỏ mảng “thiết bị đầu cuối”, một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể của công ty.
Du Lam (Theo SCMP)
Smartphone Huawei trở thành đồ hiếm
Một số model cao cấp của Huawei trở thành hàng hiếm vì khó mua được lúc này. Nhiều cửa hàng lớn của hãng đã phải đóng cửa do ảnh hưởng từ lệnh cấm của Mỹ.