{keywords}
Gian hàng Huawei tại triển lãm MWC Thượng Hải 2021. (Ảnh: Bloomberg)

Huawei nổi tiếng với “văn hóa loài sói”, luôn quyết liệt và không e sợ bất kỳ điều gì. Nhà sáng lập kiêm CEO Nhậm Chính Phi thường kể lại các câu chuyện về lòng dũng cảm của nhân viên Huawei khi đối mặt với khó khăn và nghịch cảnh, đại diện cho “chủ nghĩa khắc kỷ” – một phần thiết yếu trong bản sắc công ty.

Ông Nhậm muốn “mài sắc” hơn nữa điều này để đảm bảo sự sống của Huawei. Trong cuộc họp nội bộ gần đây, ông nói công ty phải sử dụng linh kiện “hạng ba” để sản xuất sản phẩm “hạng nhất” giữa lúc bị lệnh cấm vận của Mỹ kìm kẹp.

Theo tờ Caixin, ông Nhậm nói trước đây, Huawei có các bộ phận thay thế trong sản phẩm cao cấp. Song nay Mỹ chặn hoàn toàn đường tiếp cận linh kiện, thậm chí cả sản phẩm thương mại của Huawei. Vì vậy, Huawei phải làm việc chăm chỉ để bán sản phẩm và dịch vụ, giúp duy trì vị trí thị trường của bộ phận kinh doanh cốt lõi trong năm 2021. “Về chiến lược thị trường, chúng ta phải dám từ bỏ một số quốc gia, một số khách hàng, một số sản phẩm và một số kịch bản”.

Chiến lược này trùng khớp với phát biểu của ông Nhậm tháng 6/2020, khi ông ám chỉ Huawei phải phân cấp hoạt động, đơn giản hóa dòng sản phẩm, tập trung sinh lời để sống sót. Nó cũng cho thấy công ty Trung Quốc gặp khó khăn nhiều thế nào khi nằm trong danh sách đen của Mỹ. Trong một bài phát biểu trước nhân viên năm ngoái, ông Nhậm cho biết Huawei đã phải thay đổi nhiều linh kiện và tinh chỉnh thuật toán trong sản phẩm để đối phó với lệnh cấm ngày một tăng từ Mỹ.

Bộ phận kinh doanh tiêu dùng Huawei – nơi đóng góp lợi nhuận lớn nhất – sẽ duy trì chiến lược “1+8+N”. Số 1 đại diện cho smartphone, 8 cho thiết bị tiêu dùng khác như máy tính cá nhân, tivi, máy tính bảng, smartwatch, tai nghe. N bao gồm nhà thông minh, giải trí và văn phòng di động.

Ông Nhậm gợi ý Huawei nên bán nhiều sản phẩm từ danh mục số 8 khi nguồn cung linh kiện bị hạn chế. Ông cũng hối thúc hợp tác nhiều hơn với đối tác để sản xuất sản phẩm danh mục N.

Người dùng sẽ là người phán xử cuối cùng đối với chiến lược dùng linh kiện hạng ba sản xuất hàng hạng nhất của Huawei. Theo Phó Chủ tịch Di động Canalys Nicole Peng, rất khó để làm hài lòng người dùng và không bao giờ họ chấp nhận sản phẩm không làm từ linh kiện chất lượng, dù đó là hãng nội địa hay nước ngoài. Bà hiểu rằng thách thức phải tồn tại của Huawei là rất lớn song gánh nặng của việc phát triển chuỗi cung ứng công nghệ của Trung Quốc là thứ mà một công ty không thể gánh vác được.

Trong khi đó, Huawei cũng muốn củng cố năng lực phần mềm. Ông Nhậm khẳng định công ty không thể chỉ phụ thuộc vào phần cứng để dẫn đầu thế giới về lâu dài mà phải dựa vào phần mềm. Điều này đòi hỏi hợp tác chặt chẽ giữa bộ phận thiết bị, đám mây và Internet của Huawei. Một trong những hành động đầu tiên là mở rộng vai trò của Richard Yu Chengdong, CEO bộ phận tiêu dùng Huawei. Hiện nay, ông phụ trách cả bộ phận trí tuệ nhân tạo và dịch vụ đám mây, giúp khai phá thị trường tăng trưởng mới.

Du Lam (Theo SCMP)

Khó khăn nào đang chờ hệ điều hành di động của Huawei?

Khó khăn nào đang chờ hệ điều hành di động của Huawei?

HarmonyOS, hệ điều hành Huawei tự phát triển nhằm thay thế Google Android, sẽ gặp nhiều thử thách khi bắt đầu có mặt trên smartphone.