Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn vừa ký ban hành Công văn số 3786/TCT-KK công bố danh sách V1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất trong năm 2021. 

Đây là năm thứ 6 liên tiếp, Tổng cục Thuế xây dựng danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất. Theo Tổng Cục thuế, cách tính của bảng xếp hạng là theo mức thuế TNDN đã nộp ngân sách Nhà nước trong năm 2021. Doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc (được cấp mã số thuế đơn vị trực thuộc 13 số) bao gồm số tiền thuế TNDN đã nộp của trụ sở chính và các chi nhánh, đơn vị trực thuộc.

Theo danh sách này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) nằm trong Top 20 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam.

Ngoài ra, trong Top 500 còn có sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp trong ngành Dầu khí gồm: Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (xếp thứ 56); Chi nhánh Tổng công ty Khí Việt Nam - Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn- NCSP (78); Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power (106); Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - PVFCCo (113); Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn - BSR (169); Tổng công ty Bảo hiểm PVI (181); Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí - PVTrans (313); Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (343); Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau - PVCFC (456).

Các doanh nghiệp dầu khí trong V1000 còn có: Công ty CP Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí - PSD (614); Công ty CP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương - PVTrans Pacific (744); Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 - NT2 (891).

Trải qua hai năm liên tục trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới, thương mại toàn cầu và giá dầu ở mức thấp kéo dài nhiều tháng, Petrovietnam phải đối diện với những thách thức, khó khăn chưa từng có, nhưng tập đoàn đã chủ động, thích ứng, vượt qua mọi khó khăn. Năm 2021, tổng doanh thu toàn tập đoàn hoàn thành vượt kế hoạch cả năm trước 2 tháng, đạt 620,2 nghìn tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 2,2 lần so với năm 2020. PetroVietnam nộp ngân sách Nhà nước hoàn thành trước 3 tháng, đạt 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm, tăng 36% so với năm 2020. 

Những kết quả đã đạt được đã góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Petrovietnam. Trước đó, năm 2020, 2021, PVN đã được Brand Finance (công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới) định giá tăng hơn gấp đôi so với năm 2019. Sang đến năm 2022, giá trị thương hiệu Petrovietnam đã đạt 1,3 tỷ USD, tăng gần gấp rưỡi năm 2021, duy trì vị trí trong 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, chỉ số "Sức mạnh thương hiệu" Petrovietnam đạt 70,8 và duy trì xếp hạng sức mạnh thương hiệu ở mức AA.

Sự có mặt của Petrovietnam cùng nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí trong V1000 một lần nữa khẳng định sự đóng góp quan trọng của ngành dầu khí vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Điều này còn đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh năm 2021 đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid -19, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Ngọc Minh