- Khoảng 300m3 gỗ vừa được phát hiện và thu hồi mới đây tại khu vực rừng biên giới đầu nguồn tại Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động, rừng đầu nguồn đã và đang bị thảm sát. Những người dân ở nơi đây đã bất chấp nguy hiểm để khai thác gỗ, và nhiều người đã phải bỏ mạng giữa rừng xanh.

Và việc rừng đầu nguồn bị thảm sát cũng đã được giới nghiên cứu khoa học chỉ ra những hậu hoạ khôn lường khi những trận lũ kinh hoàng không chịu buông tha mảnh đất nghèo.

Người chết, nhà bị lũ cuốn trôi và biết bao cảnh tình tang thương. Thảm cảnh này không riêng gì Hà Tĩnh mà cả miền Trung thương yêu, khi rừng vẫn đang bị tàn phá.

Bỏ mạng giữa rừng thẳm

Người xưa đã từng nói “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, tàn phá thiên nhiên, chặt hạ cây rừng đầu nguồn sẽ để lại hậu quả khủng khiếp. Không chỉ trước mắt mà nguy hiểm hơn là những thế hệ sau này phải gánh chịu.

Những cây cổ thụ lớn hai người ôm không xuể bị đốn hạ không thương tiếc ngay bên đường Sơn Hồng, sát biên giới Việt Lào.

Tại xã Sơn Hồng, một xã vùng biên ở Hà Tĩnh, ruộng nương ít ỏi, người dân chỉ biết bám vào rừng để tồn tại, rừng chính là chỗ dựa cho họ trong cuộc chiến sinh tồn, nuôi con cái ăn học. Họ, những người nông dân chất phác dần dần trở thành lâm tặc lúc nào chẳng hay.

Chủ tịch xã Sơn Hồng, ông Đoàn Anh Thân cũng như những người dân xã này vẫn còn nhớ mãi, chỉ vì vào rừng khai thác gỗ trái phép mà nhiều người dân trong xã, kẻ thì mang thương tật suốt đời, người thì vĩnh viễn nằm lại rừng khi bị gỗ đè.

Và những cái chết của họ không thể khiến cho những người còn sống yêu quý rừng hơn, không tàn sát nữa.

Vị chủ tịch xã còn nhớ, vào năm 2010, một người dân xã Sơn Lĩnh, trong quá trình vào rừng mở đường, làm thuê cho chủ rừng là Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn thì chẳng may bị một cành cây khô rơi trúng đầu, tử vong ngay tại chỗ.

Đối với người dân xã Sơn Hồng thì cũng đã có nhiều cái chết thương tâm trong quá trình vào rừng khai thác gỗ trái phép, còn số người bị thương thì không kể hết.

Người dân xóm 9 vẫn còn nhớ mãi cái chết của anh Nguyễn Văn Th. (SN 1974) vào năm 2006. Thời điểm đó, anh Th. mang theo rìu một mình vào rừng để khai thác gỗ. Khi việc chặt hạ cây gỗ lớn gần xong thì chẳng may anh Th. bị thân cây đè vào người, tử vong.

Mãi không thấy chồng về, vợ anh Th. mới hoảng hốt gọi anh em đi tìm. Chỉ đến khi vào khu vực rừng mà anh Th. vẫn thường vào chặt cây thì mới phát hiện thi thể của chồng mình đã chết từ bao giờ.

Hay là trường hợp anh Trần Văn C. (SN 1973, trú ở xóm 4, xã Sơn Hồng). Anh C. cũng đã phải “ra đi” khi tuổi mới 30, bỏ lại người vợ trẻ và 3 đứa con thơ dại. Cũng chỉ vì nghèo túng, không có công ăn việc làm ổn định, anh phải vào rừng để chặt gỗ về bán, chẳng may phải bỏ mạng.

Rừng đầu nguồn bị thảm sát cũng đồng nghĩa với những hậu hoạ khôn lường mà nhiều thế hệ chúng ta phải gánh chịu.

“Biết là hiểm nguy rình rập và đã có nhiều người bị gỗ đè chết nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp, họ vẫn phải vào rừng để mưu sinh. Khi thì đi làm thuê, khi thì vào rừng chặt gỗ về làm nhà, buôn bán. Chúng tôi đang tìm cách để thay đổi thói quen của người dân, chuyển sang hướng làm ăn khác cho họ”, ông Thân chia sẻ.

Những trận lũ lịch sử

Người dân miền Trung nói chung và Hà Tĩnh nói riêng chẳng thể nào quên được những trận lũ lịch sử, “lũ chồng lên lũ” vào những tháng cuối năm 2010.

Hình ảnh tang thương khi chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi tại xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Lũ từ thượng nguồn đổ về đã cuốn phăng những những gì nó đi qua. Cảnh tượng nhà tan cửa nát, những cánh tay chới với cầu cứu trong biển nước trắng xoá mãi vẫn còn ám ảnh.

Còn nhớ, đỉnh điểm của trận lũ thứ 2 trong tháng 10/2010 khi chiếc xe khách mang BKS 48K-5868 chở gần 40 hành khách đã bị nước lũ cuốn trôi vào sáng ngày 18/10. Vụ tai nạn chưa từng có đã cướp đi sinh mạng của 20 người, trong đó có những nạn nhân đến giờ này vẫn chưa tìm được xác.

Theo con số thống kê trên một tờ báo, tính đến tháng 11/2010, tại Hà Tĩnh, trận lũ quét vào tháng 10/2010 đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đã có hơn 50 người chết và thiệt hại về tài sản ước tính hơn 5000 tỷ đồng đã cuốn trôi theo dòng nước. Những con số vô tri nhưng đã nói lên sự tàn khốc của cơn thịnh nộ của đất trời.

Trong những nguyên nhân được giới khoa học chỉ ra, ngoài yếu tố khách quan thì có phần “nhân tai”- do con người gây ra. Và người ta lại nhắc tới khi những khu rừng đầu nguồn có chức năng phòng hộ bị thảm sát.

Ngoài lâm tặc tàn phá rừng để hưởng lợi thì cũng đã có nhiều khu rừng biến mất, nhường lại cho các dự án thuỷ điện hoặc “chuyển mục đích sử dụng” sang khai thác đá, làm dự án. Và những điều cảnh báo đó đã trở thành sự thực.

Nước ngập trắng trời, người dân vùng lũ Vũ Quang phải sống qua ngày bằng những giói mỳ tôm cứu trợ.

Phát biểu trên báo chí, ông Bùi Lê Bắc – Chánh văn phòng Ban PCBL Hà Tĩnh cũng đã từng khẳng định: "Một vài năm gần đây, lũ lụt hoành hành dữ dội ở Hà Tĩnh, nguyên nhân một phần do không ngăn chặn được nạn chặt phá rừng ở các địa phương. Thực tế đã cho thấy thiên tai không chỉ do thiên nhiên gây ra, mà còn có cả bàn tay con người tác động đến rất lớn”.

Nhìn lại vụ phá rừng lớn chưa từng có mới được phát giác tại Hà Tĩnh, nếu những lực lượng có mặt tại xã Sơn Hồng làm hết chức năng, trách nhiệm của mình thì không thể có chuyện hàng trăm m3 gỗ bị khai thác trái phép trong thời gian dài mà chẳng ai hay biết.

Dư luận có quyền nghi ngờ, có sự tiếp tay cho lâm tặc thảm sát rừng?

Rừng dần biến mất, “nghề lâm tặc”, đến một thời điểm nào đó có thể cũng sẽ không còn khi những khu rừng chỉ còn trên bản đồ.

Và ai cũng biết, chỉ còn lại những hậu hoạ khôn lường mà thế hệ chúng ta, con cháu chúng ta phải gánh chịu.

Phan Sông La