Hãng hàng không Bamboo Airways chiều 9/9 cho biết, từ Hà Nội hãng sẽ khai thác 2 chuyến/ngày khứ hồi tới Côn Đảo, từ Vinh và Hải Phòng mỗi ngày 1 chuyến khứ hồi.

Dự kiến, vé sẽ bán ra từ 0h ngày 10/9 cho chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 29/9. Dự kiến giá vé thấp nhất từ Hà Nội - Côn Đảo là 1,6 triệu đồng/chặng (chưa gồm thuế, phí). 

Các chuyến bay được thực hiện bằng máy bay phản lực Embraer E195, tương tự như dòng A320, A321, có thể vận chuyển tới 124 hành khách. Thời gian bay từ Hà Nội tới Côn Đảo khoảng 2 tiếng 20 phút.

Tuy nhiên, do trọng lượng khi cất/hạ cánh tại sân bay Cỏ Ống (Côn Đảo) chỉ giới hạn 46-47 tấn, đèn bay đêm chưa đáp ứng được nên mỗi chuyến bay hãng giảm tải còn khoảng 118 hành khách.

{keywords}
Bamboo Airways mở 3 đường bay thẳng tới Côn Đảo từ 29/9

Dự kiến, tới đây hãng sẽ đưa vào khai thác 6 chiếc Embraer E195 cho chặng này. Ngoài tăng chuyến bay từ 3 chặng ban đầu, lãnh đạo Bamboo Airways nói rằng sẽ xem xét khai thác thêm các chặng từ Đà Nẵng, Thanh Hóa, Vân Đồn,... tới Côn Đảo.

Từ trước tới nay, đường bay Côn Đảo luôn là sân chơi riêng của VASCO và Vietnam Airlines, với đội bay ATR-72.

Do hạn chế về đường băng chỉ phục vụ được dòng bay cỡ nhỏ và độc quyền khai thác nên giá vé máy bay chặng Côn Đảo luôn đắt đỏ so với giá vé các chặng bay nội địa khác. Chẳng hạn, nếu đường bay trục Hà Nội - TP.HCM, giá vé chỉ trên dưới 1 triệu đồng/khứ hồi (gồm cả thuế, phí) thì bay từ TP.HCM - Côn Đảo thường rơi vào khoảng 3,6-4 triệu đồng (giá trong tháng 8).

Chưa kể, khách từ Hà Nội, miền Trung nếu muốn tới Côn Đảo đều phải bay vào Tân Sơn Nhất hoặc Cần Thơ, từ đó nối chuyến đi Côn Đảo. Thời gian trung chuyển, chờ đợi lâu.

Do đó, việc Bamboo Airways mở đường bay thẳng tới Côn Đảo phá thế độc quyền, tự tung tự tác, gia tăng sự cạnh tranh. Đặc biệt, khi ngành du lịch chuẩn bị chiến dịch kích cầu đợt hai, việc mở mới các đường bay trực tiếp đến Côn Đảo sẽ giúp du khách phía Bắc, miền Trung có nhiều lựa chọn với lịch trình phù hợp hơn.

Năm 2019, Côn Đảo đón gần 400.000 lượt khách du lịch, tăng 37% so với năm 2018. Sau giai đoạn cách ly xã hội hồi đầu năm, số liệu cho thấy tần suất khai thác các chuyến bay giữa TP.HCM/Cần Thơ đến/đi Côn Đảo thuộc nhóm phục hồi nhanh nhất, từ 22-27 chuyến/ngày.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn lo ngại về hiệu quả khai thác đường bay này.

{keywords}
Sân bay Côn Đảo còn nhiều hạn chế, cần nâng cấp 

Đầu tiên là hạn chế về năng lực tiếp đón của sân bay Cỏ Ống. Hồi tháng 7, Cục Hàng không Việt Nam đã có báo cáo rà soát năng lực khai thác của sân bay Côn Đảo cho thấy đường băng 1.830 m có thể tiếp nhận hầu hết dòng máy bay thân hẹp của Airbus như A319 mà không bị hạn chế về tải trọng; hay các dòng A320neo, A321neo và A321ceo có thể cất hạ cánh nếu chuyến bay giảm bớt tải trọng và tỷ lệ lấp đầy ghế.

Mặc dù vậy, đây mới là căn cứ kỹ thuật để các hãng tham khảo.

Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways Nguyễn Mạnh Quân cũng thừa nhận, việc cải tạo kéo dài đường cất hạ cánh từ 1.830m lên 2.400m để tiếp nhận được dòng máy bay A320, A321 mất tầm 5 năm, chưa kể phải lấn ra biển từ 500-600m, mà theo tư vấn ADCC kinh phí lên tới 5.300 tỷ đồng.

Chưa kể, sân bay này còn phải hoàn thiện nhiều hạng mục khác, như sân đậu máy bay (hiện mới có 4), nhà ga (chỉ 3.792 m2, phục vụ tối đa 200 hành khách) và hệ thống chiếu sáng của sân bay cũng chưa đủ để phục vụ các chuyến bay đêm.

Về khai thác thương mại, có ý kiến cho rằng cần xem xét thêm về tính hiệu quả, bởi nếu không, tại sao các hãng hàng không đi trước như VASCO và Vietnam Airlines không tính toán mở thêm đường bay thẳng tới Côn Đảo.

Vietjet Air hồi cuối năm 2018 cũng muốn khai thác đường bay Hà Nội/TP.HCM - Côn Đảo bằng máy bay A319, nhưng sau đó không thấy đề cập đến.

Hơn nữa, Bamboo Airways cũng không phải là hãng hàng không đầu tiên khai thác đường bay thẳng Hà Nội - Côn Đảo. Trước đó, năm 2012, Air Mekong đã khai thác chặng này bằng máy bay phản lực Combardier CRJ 900. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm đó, hãng phải dừng bay.

Ngọc Hà