Khi những lượt like, tim có “sức nặng”

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies – một chuyên gia truyền thông chia sẻ, nhu cầu muốn được nổi tiếng, câu view và kiếm tiền hiện nay là rất cao trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội phát triển như vũ bão. Trong đó hoạt động livestream đang trở thành công cụ phục vụ cho mục tiêu truyền thông “bẩn”, kiếm tiền bất chấp đạo đức và những giá trị xã hội.

Lấy ngay câu chuyện về “tu sĩ Thích Minh Tuệ”, ông Vinh cho biết có những streamer đi theo ông Thích Minh Tuệ có thể kiếm tối đa hơn 60 triệu đồng/ngày. Nội dung càng kích thích, càng phản cảm bao nhiêu thì sẽ lôi kéo người xem nhiều bấy nhiêu, bởi thị hiếu của một bộ phận người thích xem những nội dung (rẻ tiền, phản cảm, tiêu cực…) như vậy. “Hiện có những người livestream để mua vui, nhưng cũng có nhiều người sử dụng nó như một công cụ để thu lợi bất chính. Họ đưa ra các nội dung kích thích sự ham muốn của người xem, chà đạp lên giá trị nhân văn, giá trị đạo đức”, ông Lê Quốc Vinh phân tích.

B23. Nhan vat.jpg
Câu chuyện tu tập của tu sĩ Thích Minh Tuệ bị đẩy lên cao trào và trở thành hiện tượng xã hội, bão mạng khi xuất hiện lực lượng streamer, các YouTuber, TikToker vào cuộc ăn theo. Ảnh chụp màn hình: Nam Phương

Thực tế, việc tu sĩ hay hành giả đầu đà Thích Minh Tuệ đã đi bộ khất thực từ Nam ra Bắc và ngược lại nhiều lần từ năm 2018. Nhưng câu chuyện của ông chỉ được đẩy lên cao trào và trở thành hiện tượng xã hội, bão mạng khi lực lượng streamer, các YouTuber, TikToker vào cuộc ăn theo mới khiến công việc khất thực của ông trở lên ồn ào. Trong đó, sự mất trật tự an ninh đa phần đến từ sự đeo bám, tường thuật trực tiếp của các YouTuber, TikToker. Nhìn nhận câu chuyện này dưới nhiều góc độ, từ tôn giáo tín ngưỡng cho tới truyền thông, an ninh đều cần phải tỉnh táo và thận trọng.

Quay lại câu hỏi của anh Đỗ Trung Tín là “làm sao để chúng ta không biến thành những nhân vật bất đắc dĩ như tu sĩ Thích Minh Tuệ”? Khi mà hình ảnh cá nhân bị xâm hại một cách bất chấp, đời tư bị soi mói, người thân bị quấy rối, cùng hàng loạt những phiền toái bỗng dưng xuất hiện như thảm họa từ trên trời rơi xuống vậy. Để trả lời anh Tín thật chẳng dễ dàng, bởi chỉ với chiếc điện thoại thông minh (smartphone) trong tay, bất cứ ai cũng trở thành những “kênh truyền thông tại chỗ” và đưa tin trực tiếp từ hiện trường bất chấp việc làm ấy là phản cảm, vô đạo đức và thậm chí là vi phạm pháp luật.

Lằn ranh giữa kiếm tiền và đạo đức?

Theo ông Lê Quốc Vinh, về mặt kĩ thuật thật khó để dẹp được vấn nạn này, do đó chỉ có thể kêu gọi mỗi cá nhân hãy đề cao đạo đức và nên đặt những lằn ranh kiếm tiền của mình. Phân tích ngay từ hiện tượng ông Thích Minh Tuệ, ông Minh cho rằng tu sĩ này chẳng thể hiểu tại sao mình lại “nổi lên” trên mạng xã hội, được dư luận cả nước chú ý đến trong thời gian ngắn.

Nhưng rồi, chỉ cần nhìn xung quanh ông trên quá trình tu tập, hàng trăm TikToker, Facebooker và YouTuber đã đi theo ông để tiến hành livestream (đa phần với mục đích kiếm tiền), thì vị tu sĩ này bỗng dưng trở thành nhân vật bất đắc dĩ như câu hỏi anh Tín đề cập, thậm chí có người còn nói không quá rằng vị tu sĩ kia như trở thành “món nhậu” của truyền thông bẩn, để những người đeo bám ông kiếm tiền. Họ bất chấp tất cả để chạy theo ông Thích Minh Tuệ, họ nhốn nháo, gây rối loạn chỉ để quay được những hình ảnh của ông.

“Thậm chí, ngay cả khi thầy đi vào nhà vệ sinh vẫn bị những người này vô tư tiến hành livestream. Mặc dù ông Thích Minh Tuệ đã kêu họ về nhà để chăm lo cho gia đình, đừng đi theo nữa, nhưng những lời nói đó đều bị bỏ ngoài tai. Với số tiền kiếm được lên tới 60 triệu đồng mỗi ngày từ việc đi theo ông Thích Minh Tuệ thì dường như tiền đã làm mờ mắt họ. Truyền thông bẩn, nội dung nhảm nhí, phản cảm; các nguyên tắc đạo đức bị xóa bỏ, các lằn ranh phạm luật bị vi phạm, các nguyên tắc tuyền thông bị bỏ qua… là những điều dễ thấy từ hiện tượng này”, ông Vinh phân tích.

Thực sự khó hình dung về YouTube, nền tảng chia sẻ video trực tuyến ra đời năm 2005 và đến nay là trang được truy cập nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau trang tìm kiếm của Google. Thống kê năm 2023 cho thấy YouTube có khoảng 2,5 tỷ người dùng, trong đó ở Việt Nam có hơn 73% người trưởng thành sử dụng (63 triệu người), đứng thứ hai Đông Nam Á (sau Indonesia), đứng thứ chín trên toàn thế giới. Trong khi đó với TikTok, người Việt cũng đứng trong top 5 thế giới với số lượt người dùng. Cả hai nền tảng này đều cho livestream trực tiếp, trả tiền cho các kênh có lượt xem khủng bất chấp nội dung đó là gì. Dù các clip phản cảm, vi phạm bị Bộ TT&TT thường xuyên yêu cầu các nền tảng xóa bỏ, nhưng dường như chính sách quản lý vấn nạn này vẫn chưa theo kịp thực tiễn và câu hỏi của anh Tín không dễ trả lời.

Nam Phương