Trong nước chưa sản xuất được nhà kính nhưng Bộ KH-ĐT không có Thông tư hướng dẫn cụ thể về nhập khẩu mặt hàng này. Do đó, nhiều công ty trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang gặp vướng mắc trong quá trình nhập khẩu. DN kiện Cục Hải quan Đắk Lắk (quản lý địa bàn 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) ra tòa vì cho rằng, sản phẩm này trong nước chưa sản xuất được nên buộc phải đi mua của nước ngoài, vậy tại sao cơ quan hải quan lại không cho DN hưởng chính sách ưu đãi thuế.
Thông tin trên được ông Lê Văn Nhuận - Cục trưởng Hải quan Đắk Lắk - nêu ra tại tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản” do Báo Hải quan tổ chức. Theo ông, năm nào tổ chức hội nghị đối thoại với DN cũng rất căng thẳng về câu chuyện này.
“Từng doanh nghiệp phải ra Bộ xin xác nhận, rất khó khăn. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã xin ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, tại sao Bộ chuyên ngành nhiều năm liền chưa xử lý được? Cần có chính sách cụ thể, làm rõ cho doanh nghiệp”, ông Nhuận nói.
Sản phẩm tốn nhiều công sức lại bị áp thuế cao
Một vấn đề khác cũng được DN thắc mắc là cách phân loại mã số HS chưa rõ ràng. Ông Huỳnh Quang Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam - cho hay, sản phẩm viên nén gỗ lâu nay được sử dụng để ủ, làm nguyên liệu nấu rượu. Viên nén gỗ dạng thường (Mã: 4401.31.00) đang áp mức thuế suất xuất khẩu bằng 0 thì cũng chính viên nén đó, được gia công thêm nhiệt, làm cho bền hơn và chuyển thành dạng viên nén gỗ đen (Mã: 4402.90.90.90) thì lại chịu mức thuế suất 10% khi xuất khẩu.
Nghịch lý ở đây về mặt chế biến, công đoạn viên nén đen làm nhiều hơn viên nén thông thường, không hỗ trợ thêm DN tiền thì thôi tại sao phải đóng thêm thuế để được xuất khẩu hàng?
Tương tự, sản phẩm gỗ ghép hình trụ xuất khẩu đang chịu thuế suất 25%. Gỗ ghép trụ được làm từ nhiều miếng gỗ ghép thanh, trong khi gỗ ghép thanh không bị áp thuế thì gỗ ghép trụ với nhiều công sản xuất hơn để ra thành phẩm lại đóng thuế cao. Hệ lụy từ sự phi lý trên, nếu nhà chức trách không xem xét kỹ, sẽ làm đánh mất thị trường xuất khẩu. Ví dụ, sản phẩm đang có giá 100 đồng mà cộng thêm 25% thuế thì giá bán lên 125 đồng. Vậy ai mua hàng nữa khi giá cao? DN Việt lập tức mất thị trường cho các nước lân cận khác.
“Nếu bị truy thu thuế, doanh nghiệp xuất khẩu đảm bảo phá sản ngay lập tức vì thuế suất 25% trên doanh thu là rất cao. Hoàn toàn không hợp lý. Cơ quan hải quan cần xem lại và gỡ rối cho doanh nghiệp, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình xuất khẩu”, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam thẳng thắn.
Về vấn đề trên, đại diện Cục Hải quan Bình Dương cho rằng, đây chính là bất cập trong biểu thuế. Từ viên nén gỗ trắng, sau khi gia công tiếp mới thành viên nén gỗ đen mà lại chịu thuế cao. Hay gỗ ghép thanh gia công thành gỗ ghép trụ nhưng mặt hàng sau thuế suất lại cao hơn mặt hàng đơn giản trước đó.
Tại tọa đàm, ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) giải đáp, việc thay đổi mã số HS sẽ thay đổi thuế suất mặt hàng. Đối với những vướng mắc của DN liên quan tới công tác kiểm định hải quan, phân loại mã số HS, đã có cơ chế phân loại trước mặt hàng, cho phép DN trước khi làm thủ tục hải quan có thể gửi mẫu hàng, hồ sơ tới Cục Thuế xuất nhập khẩu để xác nhận trước mã số hàng hóa. Hiện có 2 giải pháp được cơ quan quản lý nhà nước đưa ra cho DN.
Một, đối với tờ khai đã làm thủ tục xuất khẩu, có thể gửi hồ sơ và phản ánh, kiến nghị tới Tổng cục Hải quan, Cục Thuế xuất nhập khẩu để đơn vị này chịu trách nhiệm, yêu cầu đơn vị Hải quan - nơi hàng xuất đi, báo cáo, gửi toàn bộ hồ sơ vụ việc.
Hai, DN xuất khẩu gửi mẫu hàng để tiến hành phân loại. Sau khi có thông báo chính thức về phân loại mã số thuế đối với mặt hàng này, nếu cơ quan hải quan làm sai mã số, dẫn đến số tiền thuế của DN phải nộp nhiều hơn so với thực tế thì sẽ được hoàn trả lại tiền thuế đã nộp. Các lô hàng sau của sản phẩm đó sẽ thống nhất áp dụng theo đúng một mã số và mức thuế như trên.