Chiều 5/1, phiên tòa xét xử vụ Việt Á tiếp tục với phần thẩm vấn của các luật sư.
Cáo buộc cho rằng ông Phạm Công Tạc được Phan Quốc Việt đưa cảm ơn 50.000 USD. Hành vi của ông Tạc đã cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” quy định tại Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Tại tòa, nhiều lần Chủ tịch Việt Á khẳng định đã đưa cho ông Tạc 50.000 USD. Trong khi đó, cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, chỉ nhận 100 triệu đồng từ Phan Quốc Việt.
Chiều 5/1, luật sư Huỳnh Phương Nam (người bào chữa cho ông Tạc) đặt câu hỏi với Phan Quốc Việt: Trong 3 lời khai ban đầu, bị cáo nói đưa cho ông Tạc 100 triệu đồng, nhưng sau đó lại thay đổi lời khai, nói đưa cho ông Tạc 50.000 USD, tại sao vậy?
Phan Quốc Việt trình bày: Lúc đó bị cáo nghĩ, khai đưa ít tiền thì không ảnh hưởng đến bị cáo và ông Tạc.
Trả lời thẩm vấn của luật sư, Chủ tịch Việt Á khai, đã rút 5,1 tỷ đồng tại một ngân hàng ở Đà Nẵng, sau đó đổi sang USD và đưa lại cho bị cáo Vũ Đình Hiệp (Phó TGĐ Việt Á) giữ để khi cần thì đưa cho Phan Quốc Việt. Do di chuyển liên tục nên bị cáo không giữ nhiều tiền trong người.
Về phần mình, bị cáo Vũ Đình Hiệp xác nhận việc Phan Quốc Việt đưa cho giữ 300.000 USD để khi cần sẽ đưa. Tuy nhiên quá trình thực hiện, Phan Quốc Việt có thay đổi gì không thì bị cáo không biết. Bị cáo Hiệp chỉ sử dụng USD để đưa cho Phan Quốc Việt để mang đi cám ơn.
Việc đưa tiền cho ông Chu Ngọc Anh (nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN) và ông Phạm Công Tạc sau này bị cáo Hiệp mới được Phan Quốc Việt cho biết. “Bị cáo không nhớ chính xác số tiền mà anh Việt đưa cho các bị cáo khác là bao nhiêu”, Vũ Đình Hiệp khai.
Trả lời thẩm vấn của luật sư bào chữa cho cựu Bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng, bị cáo Phạm Duy Tuyến - cựu giám đốc CDC Hải Dương cho biết, khi tỉnh này bùng phát dịch đợt 3 vào tháng 1/2021, lúc đó tại CDC Hải Dương chỉ có 1 máy xét nghiệm PCR và hầu như không có kit test sinh phẩm.
Giải trình vì sao có 4 đơn vị sinh phẩm mà lại chọn Việt Á, ông Tuyến nói rằng, các đơn vị kia phải mang sinh phẩm về Hà Nội làm xét nghiệm rồi mới trả kết quả cho địa phương. Trong khi đó, chỉ có Việt Á làm được xét nghiệm tại chỗ.
Về giá cả, theo ông Tuyến, thời điểm dịch bệnh, tất cả kit test sinh phẩm gần như khan hiếm và giá tương đương nhau. Ông này cũng cho rằng, test xét nghiệm của Việt Á đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
Trả lời câu hỏi của luật sư, ông Phạm Xuân Thăng trình bày: Cuộc họp trực tuyến ngày 29/1/2021 có một số lãnh đạo tỉnh ủy, CDC tham gia. Họ đều đề xuất cho Công ty Việt Á tham gia chống dịch ở Hải Dương.
Trong quá trình tổ chức chỉ đạo chống dịch, bị cáo thừa nhận 4 văn bản liên quan đến Việt Á tham gia chống dịch ở Hải Dương có sai phạm. Cựu Bí thư Hải Dương cũng trình bày, bản thân xuất phát từ nghề giáo viên với nhiều năm giảng dạy, đạt nhiều thành tích trong quá trình công tác, chưa từng có vi phạm.
Thời điểm dịch bệnh, với tư cách người đứng đầu cấp ủy của tỉnh, bị cáo rất quyết liệt, tập trung chống dịch. Đã có lúc bị cáo nôn nóng, sai phạm như cáo trạng đã nêu, mong HĐXX xem xét bối cảnh khách quan và ghi nhận nỗ lực chống dịch.