Hình tượng nghệ thuật “Pháo hoa đêm tháng Chạp” được tác giả sử dụng như một ẩn dụ nghệ thuật về khúc khải hoàn chiến thắng của nhân dân, chiến sĩ Thủ đô Hà Nội suốt 12 ngày đêm kiên cường và anh dũng chống lại các cuộc không kích bằng máy bay B52 của không quân Mỹ.

Hình ảnh người chiến sỹ phòng không và cô tự vệ Hà Nội là nhân vật trung tâm, xuyên suốt của bản trường ca. Họ tiêu biểu cho tuổi trẻ, khát vọng, ý chí và niềm tin của người dân Thủ đô trong hiểm nguy gian khó vẫn ngẩng cao đầu để chiến thắng kẻ thù.

Xin trích giới thiệu Chương VI: Đêm pháo hoa của trường ca trên.

Tác giả Nguyễn Đăng Tấn

Đêm nay rồng lửa của ta bay lên
Trận hợp đồng thật tuyệt đẹp
Trận hợp đồng của núi sông đánh giặc
Của 4000 năm góp lửa, trận cuối cùng.

Cổ Loa thành ngàn vạn mũi tên đồng
Cũng chung sức vít đầu lũ cướp
Có cả hồn non nước
Trong thế trận tấn công.

Hỡi những bậc tiền nhân
Đêm nay rồng ta đang chiếm đỉnh cao thời đại
Rồng ta bay có sức mạnh thanh gươm Lê Lợi
Vung lên ánh chớp sáng lòe.

Có tiếng vó ngựa Phù Đổng Thiên Vương
Có hào khí Chi Lăng
Có thế trận của cọc gỗ Bạch Đằng
Có Đống Đa vùi thây quân xâm lược.

Rồng ta bay có Mùa Thu lập nước
Có Điện Biên chấn động địa cầu
Có miền Nam những đêm lửa cháy
Đi trước về sau.

Có nắm cơm mẹ tiễn ta lên đường
Có bàn tay ai nóng hổi
Có những người quê một nắng hai sương
Có mái tóc mẹ bạc phơ chờ đợi.

Đêm nay
Bên từng bệ phóng
Các anh đang vạch nhiễu tìm thù
Lửa trả lửa máu đền nợ máu
Để chúng hiểu rằng hào khí Mùa Thu.

Hà Nội không phải là nơi lũ cướp đến chia phần
Không phải đất không người để chúng cầu kinh và bấm nút
Không phải dễ dàng giơ ngón tay hình chữ V cười ngất
Không thể trở về một cách ung dung.

Không phải cầm “chiếc gậy răn đe” để tung hoành
Không phải con tin để chúng thách đố
B52 dùng “Nhiễu tiêu cực” hay “tích cực” cũng sẽ thành bia mộ
Đất trời này không dung thứ lũ xâm lăng.

Chúng ta có những mắt thần
Xuyên màn đêm dày đặc
Ánh sáng từ trong tim đẹp nhất
Để bắt lũ giặc hiện nguyên hình.
...