Tổng số tiền phạt là gần 3 tỷ đồng cho 7 doanh nghiệp viễn thông là Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Gtel Mobile, ITel, Mobicast.

Trong đó, Vietnamobile bị xử phạt 440 triệu đồng, Viettel Telecom và 8 chi nhánh bị phạt 175 triệu đồng; 4 trung tâm kinh doanh của VNPT gồm Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình và Bà Rịa Vũng Tàu bị phạt 170 triệu đồng; xử phạt 4 công ty dịch vụ MobiFone khu vực với mức 170 triệu đồng; xử phạt Đông Dương Telecom 90 triệu đồng, MobiCast 90 triệu đồng và Gtel Mobile là 20 triệu đồng.

Ngoài ra, đoàn thanh tra đã xử phạt 39 điểm viễn thông ủy quyền trên phạm vi toàn quốc với số tiền là 1.770 triệu đồng. Đồng thời, buộc các nhà mạng phải khắc phục hậu quả là số tiền tương đương với tiền nạp vào tài khoản SIM đã kích hoạt. Đây là hình phạt tương đối nghiêm khắc cho các doanh nghiệp viễn thông.

Kết luận kiểm tra đã chỉ rõ sai phạm của các doanh nghiệp viễn thông di động trong việc quản lý thông tin thuê bao.

Cụ thể là: bán SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước; chấp nhận đăng ký thông tin thuê bao bên ngoài Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; quản lý chưa chặt nên vẫn còn tình trạng thông tin thuê bao không chính xác, không đầy đủ theo quy định; cá nhân đăng ký rất nhiều SIM, cá biệt một số cá nhân đăng ký tới hàng ngàn SIM - đây là một trong các nguyên nhân của tình trạng sử dụng SIM không chính chủ. Doanh nghiệp còn để xảy ra tình trạng nhân viên của mình, nhân viên Đại lý/Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng thông tin cá nhân hoặc sử dụng thông tin của người khác để đăng ký thông tin thuê bao; cho Đại lý/Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông mượn tài khoản để đăng ký thông tin thuê bao; thực hiện không đúng quy trình đăng ký lại thông tin thuê bao, cấp lại SIM; sử dụng hồ sơ đăng ký thuê bao lần đầu để kích hoạt thêm SIM cho người sử dụng, không thực hiện đúng quy trình đăng ký thông tin thuê bao.

Ông Bùi Hoàng Phương, Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn Kiểm tra liên ngành

Ông Bùi Hoàng Phương, Chánh Thanh tra, Trưởng đoàn Kiểm tra liên ngành nhận định, vẫn còn tình trạng nhiều cửa hàng kinh doanh bán SIM đã kích hoạt thuê bao cho khách hàng. Cá biệt, có hàng nghìn thuê bao của Vietnammobile đăng ký bởi 1 người, từ đó, số SIM này được bán cho các khách hàng khác nhau. “Đây là nguyên nhân dẫn tới tình trạng tồn tại sim rác, cuộc gọi rác phát sinh”, ông Phương cho biết.

Đại diện 7 doanh nghiệp kinh doanh viễn thông đã nhìn nhận ra sai phạm tồn đọng lâu nay. Ông Cao Anh Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom chia sẻ thêm một nguyên nhân khiến tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác vẫn diễn ra. Đó là vì sức ép chỉ tiêu kinh doanh tại doanh nghiệp nên nhân viên tại nhiều chi nhánh đã lách luật. Sau cuộc thanh tra, Viettel sẽ chủ động triển khai nhiều công cụ phần mềm hỗ trợ, xử phạt nghiêm khắc đối với những đơn vị vi phạm.

Bà Trần Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc VNPT cho biết, qua lần bị xử phạt này, doanh nghiệp đã đúc rút được kinh nghiệm sâu sắc, quyết liệt xử lý các vi phạm liên quan tới SIM rác, cuộc gọi rác. Đây không phải là giải pháp ứng phó với cơ quan chức năng mà là giải pháp sống còn với doanh nghiệp. VNPT cảm ơn đoàn thanh tra đã chỉ ra những sai phạm, giúp công ty tuân thủ đúng pháp luật.

Bà Trần Thanh Thủy, Phó Tổng giám đốc VNPT

Ông Bùi Sơn Nam - Phó Tổng giám đốc MobiFone cho hay, nhà mạng đã cố gắng áp dụng công nghệ để chặn cuộc gọi rác và tin nhắn rác tối đa. Đoàn kiểm tra có kiến nghị sửa đổi giúp cho doanh nghiệp phát triển khách hàng và quy định quản lý thông tin thuê bao chặt chẽ.

Ông Bùi Sơn Nam - Phó Tổng giám đốc MobiFone

Ông Võ Đặng Việt Linh, Giám đốc đối ngoại Vietnamobile cũng nhất trí với kết luận của Bộ TT&TT. Những khuyết điểm của doanh nghiệp đã được Vietnamobile khắc phục và cam kết trong thời gian tới sẽ xử lý dứt điểm.

Tại buổi công bố, ông Nguyễn Trường Phi, Tổng giám đốc Gtel phát biểu: “Tôi tâm phục khẩu phục kết luận kiểm tra. Gtel là mạng nhỏ, thuê bao ít chủ yếu phục vụ trong ngành. SIM rác gây ra vấn nạn xã hội vì vậy cần xử lý. Tuy nhiên, đề nghị cho phép khách hàng đăng ký online để thuận tiện hơn”.

Theo ông Lưu Anh Sơn, Tổng giám đốc Đông Dương Telecom: “Ngay khi có dự thảo kết luận chúng tôi đã có biện pháp khắc phục. Đề nghị Bộ TT&TT có quy định quản lý thông tin thuê bao phù hợp với quá trình chuyển đổi số”.

Bà Lê Thu Hà, Phó Tổng giám đốc MobiCast cho hay, sau khi thanh tra, MobiCast đã chủ động rà soát nội bộ để giải quyết sai phạm.

 Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long

Cũng tại buổi công bố này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh rằng, thuê bao không chính chủ, SIM rác hiện là vấn nạn của xã hội. Các đối tượng xấu thường lợi dụng SIM rác để nhắn tin tới khách hàng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản… Dù các nhà mạng đã góp phần phát triển kinh tế nhưng phải chấn chỉnh hơn nữa, đảm bảo có lợi cho toàn xã hội.

Thứ trưởng tin rằng nhà mạng nào có uy tín sẽ được khách hàng ủng hộ. Thêm vào đó, việc nhìn ra sai phạm và nhận trách nhiệm không nên chỉ dừng lại ở cấp lãnh đạo mà phải xuống cả cấp dưới. Cần chủ động rà soát vi phạm để khắc phục, chủ động tuyên truyền cho người dân biết hậu quả nếu không tuân thủ việc đăng ký thuê bao chính chủ. Khi chuyển nhượng số điện thoại, người dân nên đăng ký lại thông tin thuê bao; mọi người có trách nhiệm chung nhằm ngăn chặn vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác.

Phạm Ngọc Tiến (ảnh: Phạm Hải)