Thưa Ngài Tổng thống Pu-tin,
Thưa Quý vị và các bạn,
Tôi rất vui mừng và vinh dự được phát biểu tại Diễn đàn Tuần lễ năng lượng Nga lần thứ IV với chủ đề “Năng lượng toàn cầu: Chuyển đổi để phát triển”. Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn Lãnh đạo và Chính phủ Liên bang Nga đã mời tôi tham dự Diễn đàn hết sức uy tín này. Nhân dịp này, tôi xin gửi lời chào trân trọng và lời chúc tốt đẹp nhất đến Ngài Tổng thống Nga Pu-tin cùng tất cả quý vị và các bạn!
Việt Nam đánh giá rất cao vai trò quan trọng của Liên bang Nga đối với ngành năng lượng toàn cầu, giúp duy trì ổn định và cân bằng thị trường năng lượng quốc tế. Chúng tôi tin tưởng rằng những sáng kiến của Nga trong lĩnh vực năng lượng, trong đó có Diễn đàn Tuần lễ năng lượng Nga lần này, đã và đang tiếp tục góp phần tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia nhất là hợp tác công - tư trong phát triển ngành năng lượng một cách hiệu quả, bền vững, vì lợi ích chung của các quốc gia và toàn nhân loại.
Thưa Quý vị đại biểu,
Là nền kinh tế phát triển năng động trong ASEAN, chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, và cạn kiệt tài nguyên. Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo gắn liền với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững. Là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi đang xây dựng lộ trình hài hòa, hợp lý để chuyển đổi nguồn năng lượng theo hướng phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải các-bon, tăng hiệu quả, hiệu suất sử dụng và tiết kiệm năng lượng.
Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó định hướng cơ cấu nguồn năng lượng của Việt Nam như sau:
Một là, đa dạng hóa các nguồn năng lượng, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, với mục tiêu nâng tỷ trọng trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt ít nhất 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045. Để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn …
Hai là, đối với nguồn năng lượng hóa thạch, có lộ trình chủ động tích cực giảm và hầu như không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới. Dự kiến phát triển mạnh nhiệt điện khí, bao gồm cả nhiệt điện sử dụng khí nội địa và khí hóa lỏng (LNG). Tỷ trọng nguồn điện khí dự kiến tăng từ 10% năm 2020 lên 21 - 22% năm 2030.
Ba là, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tích cực triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã xây dựng và ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu tiết kiệm từ 5 -7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc đến năm 2025.
Thưa Quý vị đại biểu,
Việt Nam và Liên bang Nga có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, trong đó hợp tác năng lượng rất hiệu quả trong nhiều thập kỷ qua. Chúng tôi luôn trân trọng, ghi nhớ và biết ơn sự hỗ trợ, giúp đỡ to lớn, hiệu quả của Liên bang Nga đối với sự phát triển của ngành điện lực và dầu khí Việt Nam trong suốt những năm vừa qua; nhiều công trình năng lượng lớn mang dấu ấn của tình hữu nghị sâu sắc và hợp tác Việt - Nga, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong hơn 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới của Việt Nam, như Nhà máy thủy điện Hòa Bình, Nhà máy nhiệt điện Uông Bí...
Đặc biệt, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí là một trong những trụ cột vững chắc của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga, điển hình là Liên doanh Vietsovpetro với 40 năm hình thành, phát triển và hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các công ty dầu khí lớn của Nga như Zarubezhneft, Gazprom tiếp tục triển khai nhiều dự án hợp tác với Việt Nam cũng như Liên doanh Rusvietpetro giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Zarubezhneft tại Liên bang Nga. Những thành công này đang là tiền đề để Việt Nam và Liên bang Nga mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xanh và sạch.
Thưa Quý vị đại biểu,
Thế giới đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đòi hỏi ngành năng lượng toàn cầu phải có sự chuyển đổi, thích ứng, nhanh và phù hợp hiệu quả. Đây đều là những vấn đề toàn cầu nên cần phải có cách tiếp cận toàn cầu một cách bao trùm, tổng thể, bình đẳng và cùng có lợi. Do vậy, việc tăng cường hợp tác quốc tế giữa các quốc gia đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tới môi trường và vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật hỗ trợ ngành năng lượng phát triển phù hợp với xu thế quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Chúng tôi khuyến khích đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có tài chính lành mạnh, có kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến của Liên bang Nga và các nước đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo tại Việt Nam, một thị trường còn rất nhiều dư địa và tiềm năng phát triển.
Việt Nam coi trọng và sẵn sàng cùng Liên bang Nga và các nước mở rộng hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực năng lượng; đồng thời mong muốn nhận được sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ, quản trị, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực… để thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu của mình một cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn; vì lợi ích của mỗi nước, tình hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga và sự phát triển bền vững, phồn vinh của toàn nhân loại.
Xin chúc Diễn đàn Tuần lễ Năng lượng Nga lần thứ IV thành công tốt đẹp!
Chúc Quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Xin trân trọng cảm ơn./.