- Băng cối! Nghe đến chữ cối thôi khối người đã phát lè lưỡi vì cái cảm giác to to chật nhà của nó. Nhưng gần đây rất nhiều người trẻ lại có thú vui sưu tầm và thưởng thức băng cối. Chắc hẳn là không phải không có lí do.

Lấy cảm hứng từ một ca khúc của cố nhạc sĩ Phạm Duy, được hát bởi ca sĩ Thái Thanh trên nền nhạc lẹt xẹt được thu lại từ đĩa than mà gần đây một bộ phim đã dùng nó làm chất liệu để tái hiện, chúng tôi đã lại một lần nữa đi tìm lại thú chơi âm nhạc cao cấp này.

{keywords}
Nguồn đĩa rất phong phú

Chỉ có điều khác với rất nhiều lần trước, lần này không phải đĩa than mà thứ chúng tôi tìm đến là băng cối từng phát triển cực thịnh ở thập niên 1970-80. Sự xuất hiện của băng cối có thời đã khiến đĩa than bị ghẻ lạnh, thành thân phận lót chuồng chim.

Nói là như vậy thật hơi oan cho băng cối, chứ thực cái lỗi ở đây nếu con người được gạt ra không tính thì chắc hẳn là do ‘bố’ công nghệ. ‘Bố’ này thì từ trẻ đến giờ mỗi lần bố lớn bố đẻ ra một lứa. Hồi 'bố' còn ở với analog thì bố đẻ ra đứa đầu là đĩa than đen xì. Đứa hai 'bố 'đẻ ra băng cối rồi khuyến mại thêm đứa nữa là cát xét (thực chất gần giống băng cối nhưng có vóc dáng nhỏ hơn - 'nghi án' là con riêng của 'bố').

{keywords}
  Chiếc đầu băng cối này có giá 6000 USD (chừng 130 triệu đồng)

Sau này thì 'bố' chán analog chuyển sang ở với digital thì nào CD, nào file nhạc lossless, DTS hằm bà lằng đủ cả. Nhưng theo 'bố' mệt quá, nuôi hết các con của 'bố 'thì tốn tiền quá. Nên giờ người chơi đành chọn cho mình một đứa con của bố mà nuôi, mà cưng, mà bán nhà cho nó thành người cho sướng cái tai.

Nói về chất lượng âm thanh, gần đây chất lượng digital với những đĩa CD cũng đã đạt gần đến thậm chí có phần hơn hẳn những chiếc băng cối thì sao lại vẫn cứ chỉ là băng cối? Vác câu hỏi đi gặp 'cao thủ' Đăng, ông chủ của Hà Nội đĩa than, địa chỉ thân thuộc của giới sành đĩa than lẫn băng cối ở Hà Nội thì câu trả lời rất đơn giản rằng băng cối dù kiểu gì cũng giữ được thời gian thực khi phát, tức là tốc độ chơi tại phòng thu thế nào phát ra từ băng cối vẫn như vậy. Hay nói đơn giản là người nghe có cảm giác được nghe trực tiếp từ người khác hơn là từ CD. À ra là vậy!

{keywords}
Anh Đăng đang chuẩn bị 'thủ tục' để nghe băng cối.

Cái thú chơi băng cối không hẳn còn vì chất lượng, đôi khi nó còn là sự quen thuộc gần gũi với nhiều người trẻ tuổi, là sự hoài niệm với những người già. Cái thằng con riêng cát xét bé tí chắc hẳn không ít người nhớ nó. Cái tiếng lạch cạch đút băng quay đầu, cái cảm giác đau đớn khi ấn nhầm nút play kèm luôn nút rec đi toi một đoạn băng thành câm lời là kỉ niệm rất gần đây thôi với nhiều người đã được sử dụng.

{keywords}

Những người trẻ hiện đại thời digital nay chả thiếu gì, điện thoại bật lên là nhạc nổi lên ngay, muốn biết ở đâu có biến trộm, cháy, cướp lượn vòng ngón tay trên màn hình là thấy ngay. Ôi sướng dễ quá thì khổ cũng tới nhanh, digital sẽ đem đến tức thì với những áp lực, những căng thẳng đúng kiểu của nó 1010: một là không cái này, một là không cái kia từ email, từ tin nhắn và thậm chí từ một cuộc gọi xuyên lục địa.

Và thế là họ lại tìm đến cái khổ khi quay tay từng cuộn băng một, lắp lắp ghép ghép và bấm nút cành cạch một cách cực vật lý để nghe cái thứ tiếng mộc mạc của băng cối, không cao vút như tiếng con hét đến vĩ đại, không trầm cực như lời bố mắng đến tức ngực. Analog là thế, bài hát ru của mẹ đâu cần bass treble gì nhiều mà sao dễ ngủ đến thế!

Bài và ảnh Nguyễn Hoàng

Bài sau: Thú chơi gì mà ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình?