Năm 2024 đánh dấu 10 năm Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại ra đời, cũng là một trong nhiệm vụ quan trọng được thực hiện sau khi Kết luận số 57 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới được ban hành.

Sau 10 năm tổ chức, giải thưởng ngày càng được mở rộng, đổi mới, phù hợp với sự phát triển của các loại hình tác phẩm, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại. Điều này cũng đã góp phần thu hút sự tham gia của đông đảo các đối tượng tác giả/nhóm tác giả khác nhau, từ nhà báo, cho đến nhà nghiên cứu, nghệ sỹ, học sinh sinh viên, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài…

img 3961.jpg
Phát động giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại. Ảnh: Trần Thường

Giải Thông tin đối ngoại xét tặng tác phẩm/sản phẩm thông tin đối ngoại trong các hạng mục: Video Clip; Các sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại; Ảnh; Truyền hình; Phát thanh; Sách; Báo in tiếng Việt; Báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng Việt; Báo in tiếng nước ngoài; Báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng nước ngoài.

Các tác phẩm/sản phẩm được xét tặng được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng; xuất bản, phát hành, công bố, sáng tạo, áp dụng ở trong và ngoài nước, trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 30/6/2024. Đối với những tác phẩm/sản phẩm phát hành trước hoặc sau thời điểm nêu trên, phải có 2/3 thời lượng, số lượng tác phẩm/sản phẩm được công bố trong thời gian quy định.

Năm nay, Ban Tổ chức khuyến khích tác giả/nhóm tác giả gửi tác phẩm, sản phẩm tham gia giải thưởng bằng file điện tử, gửi về địa chỉ email. Đối với hạng mục sách, báo in tiếng Việt và tiếng nước ngoài gửi về địa chỉ Văn phòng Đài Truyền hình Việt Nam, số 43 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình, Hà Nội.

Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Đỗ Đức Hoàng chia sẻ, giải thưởng đến nay đã được tổ chức sang năm thứ 10 là một dấu mốc quan trọng và sẽ có nhiều điểm đặc biệt. Ngay sau lễ phát động, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan sản xuất trailer quảng bá, giới thiệu cách thức tham gia giải và bố trí phát sóng với tần suất dày trên các kênh sóng, nền tảng số nhằm giúp giải thưởng lan tỏa sâu rộng.

img 3959.jpg
Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Đỗ Đức Hoàng. Ảnh: Trần Thường

Ông Hoàng nhấn mạnh, đây là giải thưởng về thông tin đối ngoại chứ không phải giải thưởng báo chí về thông tin đối ngoại. Những tác phẩm, sản phẩm tham gia dự không cần là tác phẩm báo chí và những người tham gia không nhất thiết phải là nhà báo. Mục đích nhằm thu hút được mọi tầng lớp, mọi người dân, không phân biệt công việc, tôn giáo; "dù bạn ở đâu, kể cả người nước ngoài, thậm chí chưa bao giờ đến Việt Nam nhưng bạn có những suy nghĩ, cảm nhận về Việt Nam".

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai cho biết, sau 9 mùa giải đã khẳng định thương hiệu của một giải thưởng quốc gia, uy tín với nhiều nét độc đáo, riêng biệt. Sự riêng biệt thể hiện trong tính đa dạng, phong phú của 10 hạng mục trao giải; trong đối tượng tham dự từ trong nước tới nước ngoài, từ cán bộ, đảng viên tới nhân dân, bạn bè quốc tế, từ chuyên nghiệp, bán chuyên tới không chuyên.

img 3960.jpg
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai. Ảnh: Trần Thường

Giải thưởng không có một giới hạn nào cho sự đổi mới và sáng tạo. Hội đồng giải thưởng hoan nghênh tất cả sản phẩm, tác phẩm tới từ mọi miền Tổ quốc, từ mọi quốc gia. 

Ông Vũ Thanh Mai kỳ vọng giải thưởng thông tin đối ngoại sẽ góp phần truyền tải, thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng và có sức lan tỏa rộng rãi trong, ngoài nước. Đặc biệt là sự tham gia đông đảo hơn của những bạn trẻ, những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs). Đây là một trong những hoạt động trọng tâm trong kế hoạch năm 2024 của Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại.