Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai từ năm 2008 đến nay, Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở nông thôn. Tính đến nay, cả nước có hơn 6.000/8.227 xã (gần 80,2%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 800 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hơn 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17 tiêu chí/xã. 250 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm khoảng 38,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước.

Đặc biệt, từ khi có Quy chế giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, công tác giám sát được thực hiện hiệu quả hơn. Hàng năm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội xác định nội dung và xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát các chính sách, dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thông qua hoạt động giám sát của Mặt trận, đã giúp cho Chính phủ, chính quyền và ngành chức năng các cấp điều chỉnh các nội dung và chính sách trong xây dựng nông thôn, hỗ trợ nông dân phù hợp hơn và được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Các hoạt động nổi bật trong giám sát xây dựng nông thôn mới như: giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giám sát bảo vệ môi trường; xây dựng cơ sở hạ tầng; giám sát nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực do Nhân dân đóng góp và nhà nước đầu tư; giám sát về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; việc thực hiện chính sách hỗ trợ giá, giống, vốn, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp; giám sát xây dựng các công trình dân sinh; bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng; chính sách hỗ trợ, ưu đãi nông dân phát triển sản xuất, hỗ trợ nông dân nghèo; xây dựng và quản lý quỹ hỗ trợ nông dân.

Nhờ đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã thường xuyên nắm bắt, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân các cấp, chủ động đăng ký với cấp ủy, phối hợp với chính quyền và các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát theo chuyên đề xây dựng nông thôn mới.

W-giaothong.png

Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đã tiếp tục phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia giám sát trong xây dựng nông thôn mới, như thực hiện các công trình phúc lợi, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; có cơ chế hỗ trợ và huy động Nhân dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, dồn điền đổi thửa...

Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng tích cực tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và bà con nông dân nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia giám sát thường xuyên, kịp thời phát hiện những sai phạm, bất cập với cấp có thẩm quyền và các cơ quan chức năng về những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với việc tổ chức các hoạt động giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã tích cực tham gia phản biện đóng góp ý kiến đề xuất vào dự thảo các văn bản của Trung ương, các cấp ủy, chính quyền các cơ quan, ban, ngành về các chủ trương, cơ chế chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham gia góp ý vào các dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội ban hành, tham gia góp ý vào một số cơ chế, chính sách, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thông qua các hoạt động tham gia xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổng hợp và kiến nghị những nội dung sát hợp với chức năng, nhiệm vụ và nguyện vọng của Nhân dân nhất là những vấn đề liên quan đến xây dựng nông thôn mới…

Có thể thấy, hơn 10 năm qua, những đóng góp của Mặt trận Tổ quốc các cấp đã góp phần tích cực vào kết quả triển khai thực hiện Chương trình,  Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp, nhất là hệ thống đường trục bản, ngõ bản và đường sản xuất; bộ mặt vùng nông thôn đã có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân GRDP đầu người đạt 47,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,88% (theo chuẩn nghèo đa chiều); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,3%..., bản sắc văn hoá dân tộc được bảo tồn và phát huy; hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững, vai trò lãnh đạo của Đảng ở khu vực nông thôn được tăng cường.

Đến nay, toàn tỉnh có 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 41,4), bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 13,6 tiêu chí/xã, thành phố Lai Châu được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên xác định, tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đang diễn ra ở địa bàn dân cư, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Tuyên truyền, vận động Nhân dân giữ vững và nâng cao chất lượng nông thôn mới đối với các địa phương đã đạt chuẩn; tiếp tục đóng góp nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Tiếp tục vận động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới ở các địa phương khó khăn trong đó tập trung tiêu chí nhà ở cho hộ gia đình khó khăn về nhà ở.

Đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các  tổ chức thành viên về xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, trực tiếp của người dân trong xây dựng nông thôn mới; tham gia góp ý hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao chất lượng đánh giá, công nhận kết quả xây dựng nông thôn mới