Tại Hội nghị, các đại biểu được tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tác hại của việc xả rác ra môi trường, nhất là rác thải nhựa và các biện pháp phòng chống rác thải nhựa. Hiện nay, việc chôn lấp nhựa, túi ni lon sẽ tồn tại trong lòng đất, hàng trăm, hàng nghìn năm vẫn không phân hủy, cản trở sinh trưởng và phát triển các thực vật; việc đốt rác thải nhựa làm gia tăng khí thải nhà kính, đặc biệt là dioxin gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như ung thư, dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn tiêu hóa.
Cũng tại hội nghị, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thống nhất với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện chọn Chi hội phụ nữ xóm 7, xã Giao Lạc để triển khai thành lập mô hình “Tổ phụ nữ thu gom rác ven biển” với 20 hội viên phụ nữ tham gia. Ngay sau khi thành lập, các thành viên trong "Tổ phụ nữ thu gom rác ven biển" chi hội xóm 7 và Đồn Biên phòng Ba Lạt đã ra quân vệ sinh tại khu đô thị mới Đại Đồng.
Thời gian qua, nhằm tạo một môi trường trong lành, thông thoáng, cấp ủy, chính quyền xã Giao Lạc đã xây dựng đề án, xây dựng kế hoạch, quy chế bảo vệ môi trường; thành lập tổ thu gom rác thải mỗi tuần 2 lần tại các khu dân cư. Hội viên phụ nữ Giao Lạc đã tích cực trong công tác bảo vệ môi trường như: tổ chức ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây xanh và đăng ký với địa phương đảm nhận thu gom rác thải sinh hoạt; tích cực dọn vệ sinh môi trường để tạo cảnh quan môi trường biển xanh, sạch, đẹp. Hội Phụ nữ xã cũng phối hợp với Đồn Biên phòng Ba Lạt tuyên truyền về bảo vệ môi trường, khuyến khích người dân không xả rác bừa bãi, thực hiện Chiến dịch “Hãy làm sạch biển"...
Để hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, UBND xã còn thành lập Ban kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa. Thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị hoạt động chưa hiệu quả và tuyên dương, nhân rộng mô hình hoạt động tốt.
Không những vậy, các loại rác thải có thể sử dụng tái chế đã được Hội phụ nữ, thanh niên thu gom bán lấy tiền tạo nguồn quỹ giúp đỡ phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khó khăn, không nơi nương tựa.
Tuy nhiên qua khảo sát, tại các chi hội hầu hết bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường từ gia trại, trang trại, các cơ sở sản xuất và chính ngay từ rác thải sinh hoạt tại gia đình. Là xóm tiếp giáp với đê biển, cùng với bị ô nhiễm môi trường, nhân dân xóm 7 còn bị ô nhiễm từ lượng rác thải theo lưu lượng dòng chảy của các sông dồn về địa bàn. Mặt khác, tình trạng xả rác xuống các tuyến sông, kênh của một số người dân vẫn còn diễn ra, gây tồn ứ tại các cửa cống Đại Đồng.
Bà Lê Thị Thủy Nhài - Phó Chủ tịch thường trực Hội Phụ nữ tỉnh đề nghị, Hội Phụ nữ xã Giao Lạc tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong bảo vệ môi trường. Hàng năm, đánh giá hiệu quả hoạt động, rút kinh nghiệm, chỉ ra những mặt còn tồn tại để có giải pháp hành động vì môi trường xanh, sạch, đẹp và nhân rộng các mô hình thu gom rác thải ven biển tại các chi hội, tạo môi trường biển xanh, sạch, đẹp trên quê hương Giao Lạc. Huyện ủy, UBND huyện, Hội phụ nữ huyện quan tâm, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường, nhân rộng mô hình và hướng dẫn biện pháp phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình, hướng tới phát triển kinh tế biển xanh, bền vững và nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Cùng với đó, tiếp tục duy trì và nhân rộng, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, trồng và chăm sóc cây xanh, tuyến đường hoa. Phối hợp với các ngành tổ chức chiến dịch ra quân làm sạch môi trường biển, trồng và chăm sóc rừng ngập mặn…