Phó Giáo sư  - Tiến sĩ Phạm Trung Lương cho biết: Đô thị du lịch biển được hiểu là đô thị gắn liền với không gian  biển – đảo, là nơi có tiềm năng tài nguyên du lịch nổi trội, có hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển nói riêng và kinh tế - xã hội của địa phương nói chung.

anh 23.jpg
Đô thị du lịch biển được hiểu là đô thị gắn liền với không gian  biển – đảo, có tiềm năng tài nguyên du lịch nổi trội.

Dựa trên các hệ thống tiêu chí của đô thị (Luật Đô thị 2015 và Nghị quyết số 1210/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và đô thị du lịch (Luật Du lịch 2005), thị xã Cửa Lò (Nghệ An) là đô thị đầu tiên ở Việt Nam đã lập quy hoạch theo hướng trở thành đô thị du lịch, và đến tháng 12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2355 công nhận Cửa Lò là đô thị du lịch.

Đến năm 2020, cả nước có 839 đô thị, và trong tổng số các đô thị từ cấp 4 trở lên thì có 41 đô thị có biển. Song không phải đô thị có biển nào cũng là đô thị du lịch biển, bởi đô thị du lịch biển phải hội đủ 3 tiêu chí: Tiềm năng tài nguyên du lịch nổi trội và hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ; Đã được quy hoạch theo hướng đô thị có chức năng chính là du lịch; Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của đô thị.

Hiện nay, ở Việt Nam, khái niệm về đô thị du lịch biển chưa được luật hóa, chưa có trong hệ thống phân loại đô thị được quy định bởi Luật Đô thị. Tuy nhiên, trong thực tế đã xuất hiện những đô thị du lịch theo cách hiểu dân dã của cộng đồng, chẳng hạn như Hạ Long, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng, Nha Trang… 

Tại nhiều đô thị có biển với tiềm năng du lịch nổi trội như Cửa Lò, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang…, du lịch đã thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm cho xã hội, tạo sức lan tỏa kéo theo nhiều ngành nghề liên quan cùng phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, hoạt động phát triển du lịch cũng đã nảy sinh không ít tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội và môi trường đô thị biển.

Đơn cử, ở phần lớn các đô thị có biển, không gian dải ven biển luôn được ưu tiên quy hoạch cho mục đích phát triển các công trình dịch vụ du lịch, nhưng phần lớn quy hoạch cụ thể ở không gian “mặt tiền” này lại được thực hiện trên tư duy quy hoạch đô thị chứ không dựa trên các nguyên tắc quy hoạch không gian điểm đến du lịch biển. Vì thế dẫn đến một số hệ lụy như: Không còn không gian công cộng hoặc không gian dành cho cuộc sống cộng đồng, gây mâu thuẫn xã hội giữa cộng đồng và du lịch.

Mặt khác, sự gia tăng lượng khách du lịch gây áp lực cho hạ tầng xã hội đô thị, đặc biệt là hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống xử lý chất thải. Tình trạng cắt điện nước ở nhiều khu dân cư, đặc biệt vào mùa du lịch biển, làm cho thái độ thân thiện của nhiều người dân với khách du lịch giảm đi, gia tăng mâu thuẫn giữa cộng đồng địa phương với khách du lịch.

Để đẩy mạnh phát triển đô thị du lịch biển theo hướng bền vững và đảm bảo đóng góp ngày càng tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển khuyến nghị một số giải pháp cần được xem xét triển khai trong thực tiễn.

Cụ thể, cần sớm nghiên cứu, điều chỉnh Luật Đô thị theo hướng công nhận tính chuyên ngành, chuyên biệt trong hệ thống đô thị với các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể. Xem xét ban hành chính sách phù hợp khuyến khích đầu tư, tạo thuận lợi để phát triển các đô thị chuyên ngành, trong đó có đô thị du lịch biển.

Cần vượt qua tư duy quy hoạch đô thị hiện nay để rà soát, điều chỉnh quy hoạch các đô thị du lịch biển hiện có. Với những đô thị mới, việc quy hoạch cần có sự tham gia của các chuyên gia du lịch có kinh nghiệm và trình độ.

Cần có phương án lồng ghép kế hoạch ứng dụng công nghệ 4.0 trong kế hoạch phát triển của các đô thị du lịch biển để đảm bảo trong tương lai gần phải đạt tiêu chuẩn đô thị thông minh, tạo nên tiện ích và tính hấp dẫn đối với khách du lịch, phù hợp với xu thế phát triển các điểm đến du lịch trên thế giới và khu vực.

Ngoài ra, để đảm bảo sự phát triển bền vững của một đô thị có tính chất chuyên ngành cao và vị trí địa lý quan trọng đối với hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu, cần thường xuyên nâng cao năng lực quản lý đô thị của các cấp chính quyền.

“Những giải pháp trên nếu được thực hiện đã góp phần hoàn thiện, đổi mới và phát triển hệ thống đô thị du lịch biển ở Việt Nam theo hướng bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và du lịch biển Việt Nam”, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển khẳng định.

Bình Minh và nhóm PV, BTV