Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến nguồn nhân lực cho chuyển đổi số và đây cũng là một trong những nội dung trọng tâm trong Chiến lược chuyển đổi số toàn diện của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xây dựng nguồn nhân lực số là nhiệm vụ quan trọng.

Quảng Ninh thực hiện quan điểm của Chính phủ, mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng cao nhất mọi cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, Quảng Ninh đã đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số. Tỉnh đã ban hành các kế hoạch và triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đại học Hạ Long
Sinh viên Đại học Hạ Long (Quảng Ninh) trong một tiết học.

Tỉnh tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu, lãnh đạo chuyên trách về công nghệ thông tin; cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước và đội ngũ làm công tác truyền thông; đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực quản trị hệ thống thông tin; tổ chức khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị toàn tỉnh.

Đặc biệt, công tác truyền thông được tỉnh Quảng Ninh triển khai tích cực qua nhiều kênh, như Cổng thông tin điện tử của tỉnh, qua ba kênh Zalo “Chuyển đổi số Quảng Ninh”, “Chính quyền điện tử Quảng Ninh” và của Sở Thông tin và Truyền thông.

Cùng với đó, tỉnh đã tích hợp kênh Zalo “Chuyển đổi số quốc gia” của Bộ Thông tin và Truyền thông vào kênh Zalo “Chính quyền điện tử Quảng Ninh” để thuận tiện cho người dân tiếp cận thông tin, đồng thời tập trung thực hiện các kế hoạch tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ cho cán bộ, người dân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin.

Để chuyển đổi số thật sự đi vào cuộc sống của người dân, Quảng Ninh đã linh hoạt vận động, khuyến khích mọi người, mọi nhà, mọi tầng lớp chung tay lan tỏa kiến thức, kỹ năng số; trong đó, đã đào tạo cho 10.000 giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học, các bậc phụ huynh trên địa bàn về giảng dạy kỹ năng số và an toàn Internet.

Tỉnh cũng mở các lớp đào tạo học viên về chuyển đổi số cho lãnh đạo các ban, chi cục, đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ban, ngành và tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà OneTouch của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Việc cập nhật ứng dụng số đã lan tỏa rộng khắp tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế số, xã hội số. 

Hiện, tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với tổng số kinh phí dự kiến là 1.133 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. 

Theo đề án, tỉnh dự kiến đào tạo trong nước đối với 62.900 cán bộ, công chức, viên chức, tương ứng 1.005 lớp học; đào tạo bồi dưỡng tại tỉnh 750 cán bộ, công chức, viên chức theo hình thức mời chuyên gia, giảng viên nước ngoài giảng dạy; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài 1.100 cán bộ, công chức, viên chức tương ứng 55 lớp học; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực các ngành kinh tế trọng điểm, dự kiến 5.000 lao động ngành nông nghiệp, 10.000 lao động ngành công nghiệp, thương mại, 5.000 lao động ngành xây dựng...

Những kết quả tích cực của công tác thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao khẳng định tỉnh Quảng Ninh đã nhận diện và cụ thể hóa định hướng chiến lược của Đảng về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập phù hợp điều kiện địa phương.

Trong tiến trình chuyển đổi số mà Quảng Ninh đang thực hiện, xây dựng nguồn “nhân lực số” và “công dân số” đáp ứng được yêu cầu của việc sáng tạo, quản trị, vận hành, khai thác hiệu quả các nền tảng số của tỉnh càng là yêu cầu được đặt ra cấp thiết. Đây cũng sẽ là nền móng vững chắc để địa phương có thể bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía Bắc.

Thuý Vy