Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa tổ chức hội thảo quốc tế trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm (Computing4Human) lần thứ 3. Đây là chuỗi hội thảo thường niên do Trường Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc) sáng lập và nắm giữ bản quyền. 

Computing4Human 2022 được tổ chức theo cả 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp với sự tham gia của hàng trăm nhà nghiên cứu khoa học, học giả quốc tế và Việt Nam. 
 
Theo ban tổ chức, hội thảo đã thu hút gần 100 đại biểu, dự trực tiếp và trực tuyến, đến từ Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Đài Loan, Việt Nam. 56 báo cáo chất lượng đã được lựa chọn trình bày trên tổng số hơn 70 báo cáo đã nộp.

Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Nguyễn Văn Định phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VNU

Tại đây, các chuyên gia đã cùng thảo luận và chia sẻ kết quả nghiên cứu mới nhất về tất cả các khía cạnh của trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong mọi mặt của đời sống con người. Đây cũng là cơ hội để tăng cường giao lưu khoa học và đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
 
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Định, Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế, Computing4Human là diễn đàn khoa học chất lượng, nơi để các nhà khoa học, các chuyên gia giao lưu trao đổi những kiến thức và hiểu biết mới về các vấn đề chính mà trí tuệ nhân tạo phải đối mặt cũng như những ứng dụng. Ông cũng kỳ vọng, các nhà khoa học sẽ có thể kết nối và đề xuất, phát triển các hướng nghiên cứu mới đem lại giá trị cho xã hội.
 
Tại sự kiện, GS. TSKH Hồ Tú Bảo đã có phần trình bày với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số” và “Trí tuệ nhân tạo cho con người số”. Theo GS. Hồ Tú Bảo, chuyển đổi số là một quá trình, đang làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc trong môi trường thực số. Diễn giả cũng đưa ra các định nghĩa cho từng giai đoạn phát triển của xã hội cho tới nay, cách mạng 4.0 -  giai đoạn sản xuất thông minh, giai đoạn của áp dụng trí tuệ thông minh. 

Chuyên gia AI Hồ Tú Bảo chia sẻ nhiều kiến thức chuyên ngành. Ảnh: VNU

Ngoài ra, GS. Hồ Tú Bảo chia sẻ về sự phát triển ngành phân tích kinh doanh (BA). Trí tuệ nhân tạo đã và đang giúp ích rất nhiều cho BA như gợi ý, hỗ trợ ra quyết định, dự báo… Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo giúp ích rất nhiều trong ngành y tế, giáo dục...
 
Trong khi đó, PGS.TS Lê Mai Nguyễn cho rằng chúng ta cần hướng tới xây dựng, phát triển trí tuệ nhân tạo thành hệ thống có tính bền vững, đảm bảo tính cân bằng và thân thiện với môi trường sống. Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, cần thiết kế một hệ thống AI với giao diện thân thiện.

Ngoài ra, trong suốt giai đoạn dịch bệnh, khi mà các hoạt động cách thức làm việc trực tiếp đã chuyển sang trực tuyến, con người đã thích ứng rất nhanh nhờ có ứng dụng máy tính, Internet kết nối rộng khắp. Hệ thống chăm sóc sức khỏe trực tuyến từ thăm khám và chẩn đoán bệnh phát triển mạnh. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tổng thể thì sự phủ sóng Internet trên toàn cầu không đồng đều giữa các vùng trên thế giới, do vậy dẫn đến mất cân bằng trong phát triển của toàn cầu.

PGS.TS Lê Mai Nguyễn trình bày về các ứng dụng thiết thực của AI. Ảnh: VNU

Sau phiên toàn thể, hội thảo chia thành 6 phiên, trong đó các báo cáo viên trình bày những bài báo cáo chất lượng, bao phủ rất nhiều những lĩnh vực, ứng dụng AI một cách toàn diện vào các vấn đề cụ thể nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống như công nghiệp logistic, chuyển đổi số, chuỗi cung ứng, quản trị thông minh….
 
Sau một ngày diễn ra sôi nổi, tích cực và hiệu quả, các báo cáo viên đã hoàn thành bài trình bày của mình. Nhiều hướng nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, kiến thức mới đã được trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng, hứa hẹn sẽ có thể tiếp tục cho ra đời những nghiên cứu trong thời gian tới.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, ban tổ chức đã lựa chọn và trao tặng 5 giải “Bài báo xuất sắc nhất” cho các nhóm tác giả tham gia báo cáo.