Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 24/9 tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Trump, xoay quanh nghi vấn ông Trump lạm dụng quyền lãnh đạo Nhà Trắng và tìm kiếm sự trợ giúp của nước ngoài để làm suy yếu Joe Biden, đối thủ chính trị thuộc đảng Dân chủ. Động thái ngay lập tức gây rúng động dư luận Mỹ.

{keywords}
Chủ tịch Hạ viện Pelosi cáo buộc Tổng thống Trump đã phản bội lời thề khi nhậm chức, phản bội an ninh quốc gia và "vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Mỹ" khi tìm cách tranh thủ thế lực nước ngoài nhằm giành lợi thế chính trị. Ảnh: New York Post 

Theo BBC, suốt nhiều tháng qua, các lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện đã làm mọi cách khiến cả những người ủng hộ và những người phản đối một cuộc điều tra luận tội chính thức chống ông Trump đều tin họ đang có những gì mong muốn. Chiến lược này ám chỉ, bà Pelosi và những người khác lo sợ việc xúc tiến luận tội sẽ khiến các chính trị gia ôn hòa của đảng Dân chủ phải đối mặt với các cuộc chiến đầy cam go trong mùa tổng tuyển cử năm 2020 và đảng có nguy cơ mất quyền kiểm soát đa số ghế tại Hạ viện.

Tuy nhiên, toan tính trên dường như đã thay đổi sau những tiết lộ mới về các trao đổi qua điện thoại giữa ông Trump với Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky. Hiện, ngay cả các chính trị gia từng tỏ ra lưỡng lự cũng lên tiếng ủng hộ luận tội lãnh đạo Nhà Trắng.

Nghị sĩ Max Rose đến từ đảo Staten Island, một quận ủng hộ ông Trump thuộc thành phố New York, bình luận: "Đây là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, mọi lựa chọn đều phải đặt lên bàn. Đây là lúc các thành viên đảng Cộng hòa cũng quan tâm tới sự thật như mọi người dân Mỹ nói chung".

Giới quan sát ví von diễn biến mới như việc đập ngăn nước bị vỡ. Thực tế, kịch bản luận tội đã được đề cập đến ngay từ những ngày đầu ông Trump bước chân vào Nhà Trắng. Trong suốt cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Mỹ Robert Mueller đối với nghi vấn Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cứ mỗi tiết lộ hoặc cáo buộc mới được đưa ra, trong dư luận lại dấy lên những lời kêu gọi Quốc hội phải hành động.

Song, hết lần này đến lần khác, các cáo buộc trước đây chống ông Trump, từ cản trở công lý, thông đồng với Moscow đến vi phạm các quy định tài chính trong chiến dịch tranh cử và trục lợi bất hợp pháp từ chính phủ đều không có đủ căn cứ xác đáng hay hội đủ chứng lý đủ mạnh để hạ gục vị tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Tuy nhiên, bê bối liên quan đến Ukraina hiện nay có thể là câu chuyện hoàn toàn khác. Theo các thông tin mới rò rỉ, một thành viên thuộc cộng đồng tình báo Mỹ mới đây gửi báo cáo tố giác rằng, trong các trao đổi trực tiếp qua điện đàm hồi tháng 7, Tổng thống Trump đã gây áp lực đòi người đồng cấp Ukraina Zelensky phải điều tra cha con cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng viên tổng thống sáng giá nhất bên phía đảng Dân chủ và do đó có thể là đối thủ đáng gờm nhất của ông Trump trong cuộc đua tái cử năm sau. Phe Dân chủ tin ông Trump đã trì hoãn viện trợ 400 triệu USD cho Ukraina để gia tăng áp lực.

Thực tế, theo trang Vox, năm 2014, khi đang giữ chức Phó Tổng thống Mỹ, ông Biden có vai trò lớn trong nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina. Song, vào thời điểm đó cũng xuất hiện nhiều nghi ngại khi con trai ông - Hunter Biden gia nhập hội đồng quản trị công ty khí đốt Ukraina Burisma Holdings và nhận lương có lúc tới 50.000 USD/tháng dù không rõ làm gì cho doanh nghiệp này.

Tham dự một cuộc họp của Hội đồng đối ngoại Mỹ năm 2018, chính ông Biden thú nhận, hồi còn đương chức phó tổng thống trong chính quyền Barack Obama, vào tháng 3/2016, ông đã gây áp lực buộc Kiev sa thải công tố viên cấp cao Ukraina Viktor Shokin khi công tố viên này đang điều tra các sai phạm của công ty Burisma Holdings. Bản thân ông Shokin cũng bị buộc tội tham nhũng.

Tổng thống Trump và các đồng minh quả quyết, hành động của ông Biden trong vụ sa thải công tố viên hàng đầu Ukraina là sai trái và chỉ nhằm bảo vệ con trai cũng như công ty Burisma trước cuộc điều tra do ông Shokin đứng đầu.

Chính phủ Ukraina vẫn chưa lên tiếng về những lùm xùm trên. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ đã ngay lập tức phản pháo quyết định luận tội của Chủ tịch Hạ viện là nỗ lực "săn lùng phù thủy" nhằm hạ bệ ông của phe đối lập. Ông Trump cam kết trong ngày 25/9 (theo giờ Mỹ) sẽ công khai toàn bộ nội dung không chỉnh sửa của cuộc điện đàm với lãnh đạo Ukraina. Nhà Trắng cũng thông báo sẽ công bố tài liệu liên quan đến người tố cáo ông Trump gây áp lực đòi Kiev điều tra cha con ông Biden.

Cả hai tài liệu này được tin đóng vai trò thiết yếu, quyết định diễn tiến của quá trình điều tra luận tội chống ông Trump cũng như tương lai chính trị của ông trong thời gian tới. Dù kết quả có ra sao, ông Trump sẽ thấy mình là trung tâm của một biến cố hiếm hoi khi là vị tổng thống thứ 4 trong lịch sử Mỹ từng phải đối mặt với mối đe dọa bị luận tội.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số nhà phân tích, phe Dân chủ, đặc biệt là bà Pelosi cũng đối mặt rủi ro lớn khi quyết định điều tra luận tội tổng thống sau một thời gian dài e dè, trong lúc dường chưa biết rõ nội dung của hai tài liệu quan trọng nói trên. Nếu nội dung chứa đựng trong đó không xác thực những cáo buộc của bà rằng ông Trump đã lạm dụng quyền lực hay có hành vi phạm luật, bà Pelosi có thể bị xem là phản ứng thái quá, thậm chí là lạm dụng công cụ hiến pháp để thúc đẩy cuộc chiến pháp lý nhằm đảm bảo kết thúc có lợi cho đảng của mình. Và tất nhiên, các ứng viên Dân chủ khi ấy cũng sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực của sai lầm này.

Nếu luận tội thất bại, ông Trump sẽ có thêm căn cứ để tự hào về sự trong sạch của mình cũng như thu hút thêm sự ủng hộ của các cử tri, đặc biệt là những đối tượng trung lập. Khi đó, bà Pelosi có thể đã vô tình hiện thức hóa cơn ác mộng cuối cùng của đảng Dân chủ - ông Trump tái đắc cử và có nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.

Ngay cả khi cuộc điều tra của Hạ viện kết thúc và đa số các nghị sĩ trong cơ quan lập pháp này bỏ phiếu đồng ý luận tội tổng thống (khả năng này rất cao vì đảng Dân chủ đang nắm 235/435 ghế tại Hạ viện), theo quy trình, nghị quyết luận tội của Hạ viện sẽ được trình lên Thượng viện, nơi các thượng nghị sỹ sẽ xem xét các bằng chứng và quyết định có phế truất tổng thống hay không. Tổng thống Trump sẽ bị buộc phải rời ghế lãnh đạo chính phủ nếu có ít nhất 2/3 thành viên Thượng viện bỏ phiếu phê chuẩn việc bãi nhiệm ông. Song, điều này có thể khó xảy ra khi đảng Cộng hòa của ông đang nắm giữ đa số ghế tại Thượng viện (52/100 ghế).

Hiện vẫn chưa rõ thời gian điều tra luận tội ông Trump sẽ kéo dài trong bao lâu, dù Chủ tịch Hạ viện nói với các cộng sự rằng tiến trình này sẽ hoàn tất “rất nhanh”. Một số nghị sĩ Dân chủ tiết lộ, quá trình có thể kết thúc trước cuối năm nay.

Các cuộc thăm dò dư luận chớp nhoáng cho thấy, diễn biến kịch tính mới nhất đang tác động không nhỏ đến hai chính đảng lớn ở Mỹ cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng trong thời gian tới. CNN dẫn khảo sát của YouGov cho thấy, 55% người Mỹ được hỏi ủng hộ luận tội nếu có bằng chứng xác thực việc Tổng thống Trump trì hoãn viện trợ Ukraina để gây sức ép điều tra ông Biden.

Đa số các nhà bình luận thống nhất rằng, phản ứng của cử tri Mỹ đối với cuộc luận tội này có thể quyết định ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 và định hình đường hướng phát triển của nước Mỹ trong những năm tới đây.

Dư luận Mỹ vẫn đang nín thở chờ các diễn biến mới, trong khi những người ủng hộ Tổng thống Trump hy vọng ông có thể "tai qua nạn khỏi" và ghi danh trong lịch sử khi trở thành lãnh đạo Nhà Trắng đầu tiên bị luận tội nhưng vẫn thắng cử nhiệm kỳ hai.

Tuấn Anh