- Sau khi cán bộ quân báo giới thiệu Tướng Trần Mạnh, Tướng Phạm Ngọc Sang đứng bật dậy cúi chào lễ phép: “Thưa tướng quân, tôi nghe về ông từ lâu, nay cho phép tôi chào ông tướng số 1 của Không quân miền Bắc”.

Những chiếc máy bay chở khách dân sự từ sân bay Tân Sơn Nhất nổi lên bầu trời rồi dần dần chìm vào những đám mây trắng xa tít...

Trong khoảng sân đầy nắng, gió xen trong tiếng tre xào xạc, hàng ngày, ông Từ Đễ đều đặn làm công việc ghi chép, viết lại những ký ức trong đời binh nghiệp làm phi công chiến đấu trên mọi chiến trường từ Bắc vào Nam.

Ông an nhiên với thú vui viết lại những ký ức của thời kháng chiến rực lửa của không quân, những ghi chép mang tính chất tư liệu, hay sáng tác kịch bản phim truyền hình về không quân VN anh hùng trong kháng chiến, viết sách cùng đồng đội về những trận đánh đã trải qua của các bậc phi công cao niên và đồng đội.

{keywords}
Phi đội Quyết Thắng. Ảnh tư liệu

"Cô hỏi đi, không vài năm sau tôi lú lẫn thì không sẵn sàng được như bây giờ đâu. Nào, phi đội Quyết Thắng ư, cô thích hỏi gì, tôi sẽ trả lời". Ông Từ Đễ vui vẻ, đầy nhiệt tình trước tâm thế thắc mắc của người viết vốn thuộc thế hệ sinh ra sau chiến tranh, chỉ có thể mường tượng trận quyết chiến lịch sử của Quân chủng phòng không - không quân (PKKQ) trong Đại thắng Mùa xuân 1975 qua sách vở, phim ảnh, internet hay bảo tàng.

Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 của phi đội Quyết Thắng được Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh giao Quân chủng PKKQ buổi chiều 26/4/1975 tại Sở chỉ huy chiến dịch ở Tà thiết, khi bầu trời vần vũ báo hiệu cơn dông đầu mùa mưa sắp tới.

Tướng tư lệnh chiến dịch Văn Tiến Dũng nói với ông Hoàng Ngọc Diêu, Tham mưu trưởng Quân chủng: Anh về triển khai cho anh em đánh sân bay Tân Sơn Nhất sớm, còn 2 ngày nữa thôi. Chỉ có thời cơ duy nhất là chiều 28/4”.

Ông Diêu chào Tư lệnh, hứa hoàn thành nhiệm vụ và xin phép đi ngay”.

{keywords}
Chiếc máy bay A37 do ông Từ Đễ lái trong trận đánh bom Tân Sơn Nhất được trưng bày tại bảo tàng Phòng không không quân ở Hà Nội. Ảnh: Lê Anh Dũng

"40 năm qua, trận đánh đã được kể đi kể lại nhiều lần qua truyền thông, phim, ảnh, sách vở. Nó xứng đáng được vinh danh như mũi tấn công thứ 6 vào Sài Gòn.

"Nhưng ngoài điểm rơi thời gian là quan trọng, yếu tố trận thế, nhân tố từ con người đến kỹ thuật trong trận đánh bom Tân Sơn Nhất dường như đều rất đặc biệt, độc đáo, như những kỳ tích. Liệu trận đánh có những may mắn nhất định?" - câu hỏi đòi "giải mã" chiến thắng trận đánh khiến ông Từ Đễ hào hứng.

Bí ẩn “sự may mắn” Mười Thìn

Ông cười: “Nói các bác thành công trong trận này là do cả phi đội gặp “ thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nên dù có ai bên ta lẫn bên địch cản trở thì đều không thành công”.

“Bên ta mà cũng có người cả gan cản trở trận đánh được đích thân tư lệnh chiến dịch giao ư, thưa bác? Ông cười vang: “Có đấy cháu ạ. Ông này là cán bộ to lắm, Bí thư tỉnh ủy chứ chẳng phải chơi đâu”. “Cháu không nghe nhầm chứ, Bí thư tỉnh ủy?”, tôi cắt ngang.

Đúng. Là nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận“, ông Mười Thìn, thiếu úy đại đội trưởng pháo phòng không thuộc tiểu đoàn bộ đội địa phương 602 của tỉnh Ninh Thuận cách đây 40 năm. Năm xưa, ông ấy dùng toàn bộ lực lượng pháo 37 và súng máy 12 li 8 chờ phục sẵn tại sân bay Căng (Phan Thiết).

{keywords}
Ông Từ Đễ (trái) sau 40 năm mới gặp được người đã phục kích bắn chiếc A37 trên bầu trời Phan Thiết - chính là ông Mười Thìn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận.

“Khi thấy đàn máy bay nặng nề bay qua ông phất cờ hô bắn như đổ lửa vào đội hình  của phi đội  các bác mà  không  trúng lấy 1 viên! Ông lại còn tổ chức rút kinh nghiệm sau trận đánh, động viên toàn đơn vị và tiếp tục ngụy trang, chuyển  trận địa, phục chờ lượt quay về. Lần này lại  trượt tiếp mới chết chứ!

Đơn vị ông ấy đã từng bắn rơi máy bay A37 của tên phi công Lý Tống trong trận quân ta đập nát “lá chắn thép” Phan Rang ngày xưa. Lý Tống sau này mấy lần mò về Việt Nam rải truyền đơn ấy, rồi xì hơi cay vào mặt ca sĩ khi biểu diễn bên Mỹ nữa. Thế cháu xem, không  may thì còn là cái gì?” - ông Từ Đễ cười vang kể lại kỷ niệm về đồng đội.

Điều thú vị đó là hai ông mới chỉ biết và gặp lại nhau lần đầu tiên sau 40 năm mới đây. Sau mấy chục năm, ông Từ Đễ mới biết đích xác người ngày xưa cứ nhằm A37 trên đường hướng về Tân Sơn Nhất mà bắn.

Vai trò vị chỉ huy toàn tài Trần Mạnh

Sau chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung, ta thu được một số máy bay chiến đấu của địch loại cường kích hạng nhẹ A37 hỏng hóc nằm rải rác tại các sân bay. Bộ tổng tham mưu tính việc nghiên cứu để sử dụng dùng máy bay địch đánh địch, một ý tưởng mang tính truyền thống của quân đội ta

Dựa trên những phân tích, tính toán, Bộ Tổng tham mưu báo cáo với Tổng tư lệnh cho Quân chủng  triển khai  không quân ta dùng máy bay lấy được của địch ném bom vào một số mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn:– sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tổng tham mưu, Tổng nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh hải quân, kho xăng Nhà Bè để tạo ra tác động lớn, gây hoảng loạn tinh thần đối phương.

Ngày 19/4/1975, các phi công được lựa chọn cơ động từ Thọ Xuân ra Hà Nội. Sau đó lần lượt các tốp phi công, thợ máy được cơ động vào sân bay Đà Nẵng. Ngày 21/4/1975, vừa bước xuống sân bay đầy nắng gió Đà Nẵng, Tướng Trần Mạnh vẫy tay gọi ông Từ Đễ đến, giơ 5 ngón tay giao ngay nhiệm vụ: “Tao cho mày 5 ngày bay xong, không hỏi lại lôi thôi. Đánh Tân Sơn Nhất. Xe kia đi ra chỗ lắp ráp máy bay. Đi!”

“Lúc đó bác nghĩ, máy bay đâu, ai huấn luyện, bản đồ đâu? Nhưng thôi, cụ Trần Mạnh đã nói chắc mọi việc ổn thôi” -– ông Từ Đễ kể.

{keywords}
Toàn cảnh chiếc A37 do phi công Từ Đễ lái. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Tướng Trần Mạnh lúc đó mới cấp bậc Thượng tá, một nhà chính trị chuyên nghiệp. Khi mới 20 tuổi, ông đã là chính trị viên Tiểu đoàn 308 nổi tiếng của miền Tây thời chống Pháp, rồi làm Tỉnh đội trưởng Vĩnh Trà (Vĩnh Long -– Trà Vinh) năm 23 tuổi, Chính ủy Trung đoàn Bộ binh tập kết năm 29 tuổi.

Ông là kiến trúc sư tất cả các thắng lợi của không quân: từ sử dụng MiG 21 hiệu quả đến mức MiG 21 được coi là súng AK 47 trên không, rồi bắn rơi B52, đánh tàu chiến Mỹ, chỉ đạo đánh Tân Sơn Nhất, rồi là người đặt nền móng xây dựng ngành hàng không dân sự.

Anh em tôi gọi cụ là người chỉ huy -– chính ủy. Tôi nhớ lần Tướng Trần Mạnh cho phép tôi cùng tham gia cuộc hỏi cung Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang ngày 23/4 tại Đà Nẵng. Tôi mang tấm bản đồ địa hình và sân bay Tân Sơn Nhất đút vào cái kẹp đùi bay cầm trong tay.

Thấy tôi tay cầm kẹp đùi bay, súng K59 đeo bên hông và đứng chắn sau Tướng Trần Mạnh, Tướng Phạm Ngọc Sang có vẻ đoán ra bây giờ mới giáp mặt những người cùng nghề.

Sau khi cán bộ quân báo giới thiệu Tướng Trần Mạnh, Tướng Phạm Ngọc Sang đứng bật dậy cúi chào lễ phép: Thưa tướng quân, tôi nghe về ông từ lâu, nay cho phép tôi chào ông tướng số 1 của không quân miền Bắc!. Cụ Trần Mạnh vẫy tay cho phép ngồi bằng một câu tiếng Pháp, đưa mắt cho tôi lấy bản đồ ra và trải lên bàn. Ông nói: Tôi không phải số 1, cậu pilot sau tôi mới là đại diện cho các số 1 của tôi”.

Ông Sang bối rối: Tôi không có ý đó, tôi chỉ là phi công máy bay cánh quạt. Tôi kính nể các ông lái phi cơ MiG 21 siêu thanh dám đương đầu với không quân và đặc biệt mấy ông hải quân Hoa Kỳ. Họ vốn là các cơn ác mộng với phi công trên thế giới này, mà cuối cùng cũng phải rút không dám tiếp tục chống mấy ông”.

Ông Trần Mạnh nghe vậy nói: “Sắp tới tôi sẽ cho họ trình diễn kĩ thuật chiến đấu ném bom trên đầu Bộ tư lệnh không quân Sài Gòn của mấy anh, pilot mà  bỏ máy bay chuyển sang chạy bộ. MiG chưa thèm  xuất trận, họ mà vào nữa thì F5, A37 hết đường chạy! Tôi chấp thêm các anh không thèm dùng tên lửa SAM! Sao, có dám chơi không? Thôi đủ rồi, anh cho biết tình hình Tân Sơn Nhất ra sao, nếu tôi ném bom…?”

Ông Sang giọng thấp xuống, chậm rãi: Tất cả máy bay ném bom, vận tải đã dồn về Tân Sơn Nhất vì Cần Thơ quá nhỏ. Nếu các ông ném bom nó sẽ làm rung chuyển Sài Gòn, mất hết ý chí và hỗn loạn ngay vì hết đường di tản.”

“Thế còn trụ sở Bộ Tổng tham mưu?, ông Trần Mạnh hỏi ngang. Sang chần chừ: “Có lẽ họ bỏ đi hết rồi”.

Khi ra khỏi phòng “thẩm vấn”, cụ Mạnh giao nhiệm vụ ngay cho tôi: “Họ nghiên cứu về đối phương kĩ đến từng sĩ quan chỉ huy không quân. Tao mới đọc về tay này hôm qua. Rõ rồi, mày về cùng thằng Lục chuẩn bị đánh như tao bảo!”

Còn một kỷ niệm giữa ông Từ Đễ với Tướng Trần Mạnh. Lúc vào Phan Rang, đồng hồ máy bay chuyên dùng hỏng  mà  không có nó thì gây khó khăn cho dẫn bay, Trần Mạnh đi qua thấy vậy liền giựt phắt đồng hồ đưa cho Từ Đễ, chỉ nói một câu: "Đánh xong về trả lại cho tao ", rồi đi lên đài chỉ huy.

"Có nghĩa cụ Mạnh tin rằng trận này đánh dứt khoát là thắng trở về. Tôi cảm giác đó là sự truyền lửa, một cách rất giản dị, không phải khẩu hiệu gì to tát. Đúng là chỉ huy - chính ủy!", ông Từ Đễ nói.

Xuân Linh

Bài sau: Phi đội hào hoa đánh Tân Sơn Nhất