- Chia sẻ với Góc nhìn thẳng, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông kể không ít lần bị cuộc gọi rác làm phiền khi đang chủ trì cuộc họp. Không nghe thì sợ lỡ việc mà nghe thì lại là quảng cáo, chào mời sản phẩm. 

Điện thoại mật dành gọi riêng 1 người bị lộ, sếp lớn bức xúc

Người chết bị réo tên, đang ngủ gọi dựng dậy

Buôn bán thông tin cá nhân: Ngang nhiên thu lợi, chả biết sợ ai

Cuộc gọi rác, tức gọi điện thoại để chào mời mua nhà, mua xe, mua bảo hiểm đang thực sự gây phiền toái cho không ít người sử dụng điện thoại.

Tình trạng các cuộc gọi rác này đang diễn ra không trừ bất cứ ai. Từ một nhân viên văn phòng hay một giám đốc doanh nghiệp hay thậm chí các quan chức, lãnh đạo nhà nước như các Thứ trưởng hay Bộ trưởng cũng đã từng nhận cuộc gọi rác.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn cũng đã yêu cầu cục Viễn thông cũng phải tăng cường quản lý vấn đề này.

Nhằm tìm hiểu sâu công tác này, chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử Vietnamnet có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và truyền thông.

Theo dõi cuộc trò chuyện tại video sau:


Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, việc quảng cáo tiếp thị là một nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, nhưng quảng cáo, tiếp thị thông qua các gọi điện thoại trực tiếp đối với bất kỳ ai và bất kể giờ nào không cần biết người đó có nhu cầu hay không đang là vấn nạn, chúng ta thường gọi là cuộc gọi rác. Cục Viễn thông đang có đánh giá ra sao về tình trạng này?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Tình trạng nhận phải cuộc điện thoại rác như thế, quả thật hiện nay đang ở mức báo động, bởi nó diễn ra quá nhiều. Hình thức tiếp thị kinh doanh hàng hóa như thế đang bị lạm dụng quá.

Tôi cũng như nhiều người khác cũng đã bị nhà cung cấp dịch vụ hay sản phẩm hàng hóa làm phiền rất nhiều lần trong bất kỳ giờ nào. Khi tôi đang làm việc hay có thể đang tham gia họp, đang chủ trì cuộc họp, tôi cũng đã bị những số điện thoại lạ gọi đến với mục đích như vậy.

Về mặt lý thuyết, chúng ta có thể không nghe nhưng thực tế nhiều khi cũng không thể không nghe được bởi vì những cuộc gọi đó rất có thể là cuộc gọi từ người thân, từ người lãnh đạo của mình. Có thể trong tình huống rất cần thiết, thậm chí là có bạn bè, ai đó giữa đường gặp tai nạn chẳng hạn, không mang điện thoại đi và phải nhờ người khác gọi chẳng hạn, nếu mình không nghe, mình có thể bỏ lỡ một nhiệm vụ rất quan trọng.

Cho nên hầu như mọi người nhận được số điện thoại lạ, mọi người ít nhiều cũng phải nghe và khi nghe, khi nhắc điện thoại lên thì toàn thấy quảng cáo, giới thiệu sản phẩm. Nếu lặp đi lặp lại thì thật sự rất mất thời gian, mất tập trung và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc của mỗi người.

Cho nên, ở góc độ Cục Viễn thông, chúng tôi thấy rằng đây là một hoạt động mà đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước cần phải cảnh báo xã hội, để giúp giảm bớt hoặc chấm dứt hoạt động này, bảo vệ quyền lợi của người sử dụng.

{keywords}
Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông chia sẻ về việc chặn cuộc gọi rác
(ảnh: VietNamNet)


Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, trên thực tế, cũng đã có những trường hợp một người nhận rất nhiều cuộc điện thoại rác trong cùng một ngày từ cùng một công ty để nghe chào mời một sản phẩm giống như nhau. Đây có phải là một hành vi vi phạm pháp luật hay không?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Nếu nội dung của các cuộc gọi đó là nội dung mà người dùng không mong muốn, bị phiền hà thì đó chính là việc phi phạm pháp luật.

Trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng đã có điều khoản quy định rất rõ về hành vi quấy rối người tiêu dùng. Đó chính là việc trực tiếp hoặc gián tiếp giới thiệu sản phẩm dịch vụ hàng hóa đến người tiêu dùng hoặc đề nghị người ta ký hợp đồng khi mà người tiêu dùng không mong muốn, làm ảnh hưởng, cản trở đến công việc và cuộc sống bình thường của người dân.

Khi bị tiếp thị quá hai lần mà người tiêu dùng đã từ chối và có những bằng chứng lưu lại, ví dụ, ghi âm lại tất cả cuộc gọi đó, tôi cho rằng, người tiêu dùng đã có đủ bằng chứng để kiện.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cuộc gọi rác là việc thông tin khách hàng bị rò rỉ, thậm chí, thông tin của khách được mua bán công khai. Về vấn đề này, Cục Viễn thông đã kiểm soát ra sao?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Việc rò rỉ thông tin xảy ra từ rất nhiều nguồn ví dụ như từ bệnh viện, trường học, siêu thị, ngân hàng, bảo hiểm… Đó là những nơi, những đối tượng mà chúng ta phải cung cấp số điện thoại khi giao dịch. Cách lộ, lọt thông tin bây giờ có rất nhiều nguồn khác nhau và được phát đi theo nhiều phương thức khác nhau cho nên tôi nghĩ, việc kiểm soát thông tin là một vấn đề cần sự vào cuộc nghiêm túc hơn, bài bản hơn của các cơ quan chức năng, để xác định rõ hơn những cách lộ, lọt nào.

Tuy nhiên, trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng như Luật An toàn thông tin mới đây cũng đều đã quy định rất rõ, người tiêu dùng khi tham gia mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ thì được quyền bảo đảm thông tin cũng như bí mật cá nhân của mình. Những tổ chức cá nhân khi thu thập những thông tin khách hàng, người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin đó. 

Trong trường hợp, bằng cách nào đó dù vô tình hay hữu ý, họ để lộ bí mật thông tin của khách thì tùy mức độ vi phạm, họ sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bồi thường thiệt hại khi mà gây ra tổn hại cho cá nhân bị lộ thông tin. Thậm chí, tùy mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự .

Nhà báo Phạm Huyền: Bà nghĩ sao về trách nhiệm của các công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm, như bất động sản, bảo hiểm hay, các trung tâm chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe khi để cho nhân viên bán hàng của mình thực hiện các cuộc điện thoại rác, gây phiền nhiễu cho khách hàng như vậy?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Về mặt luật pháp, họ tổ chức quảng cáo tiếp thị sản phẩm như thế nào đó là việc của họ, là quyền của họ nhưng đừng để đến mức quấy rối người tiêu dùng. 

Khi đã để xảy ra hiện tượng quấy rối người tiêu dùng thì họ phải có trách nhiệm trước pháp luật theo đúng quy định của pháp luật. Họ sẽ phải chịu xử phạt quy định hành chính hay có thể chịu sự xử phạt ở mức độ cao hơn tùy theo mức độ vi phạm và tính chất vi phạm.

Nhà báo Phạm Huyền: Chúng ta cũng đã thực hiện những giải pháp mang tính kĩ thuật như thu hồi sim rác hay chặn tin nhắn rác. Đối với cuộc gọi rác, bà đánh giá như thế nào về vai trò của các nhà mạng tham gia để có thể chặn các cuộc gọi rác và bảo vệ quyền lợi khách hàng của mình?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng, khi có yêu cầu từ người tiêu dùng hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thì nhà mạng phải có trách nhiệm chặn những tổ chức cá nhân sử dụng dịch vụ của mình, quấy rối người tiêu dùng. Điều quan trọng nhất ở đây là mọi người phải có bằng chứng.

Nhà báo Phạm Huyền: Tuy nhiên, về mặt chế tài chẳng hạn, tôi được biết chúng ta mới chỉ phạt vài chục triệu đồng cho một hành vi như làm lộ bí mật thông tin cá nhân của khách hàng, như vậy có phải là quá nhẹ?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Theo quan điểm của cá nhân tôi, tôi nghĩ là có một số hành vi bây giờ nếu xử phạt là mức quá nhẹ. Ví dụ như, phát tán lộ, lọt thông tin cá nhân bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

Thử hình dung, tôi có trong tay có một cơ sở dữ liệu khách hàng độ vài chục ngàn hoặc vài trăm ngàn thông tin cá nhân mà tôi đi bán thì tôi nghĩ nếu phạt 20 đến 30 triệu đồng thì có thể họ vẫn lãi.

Cho nên, tôi nghĩ là trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng phải nên xem xét lại, hoàn chỉnh lại hạ tầng pháp lý sao cho đủ sức răn đe hơn. Việc này, chắc chắn chúng tôi phải có những trao đổi bàn bạc với Bộ Công Thương và trực tiếp là Cục Quản lý cạnh tranh để có những hoạt động triển khai tốt hơn, hiệu quả hơn.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa bà, vậy trước mắt, để có thể giải quyết được vấn đề này,Cục Viễn thông dự kiến sẽ có những giải pháp nào?

Bà Lê Thị Ngọc Mơ: Chúng tôi thấy rằng, việc nên làm nhất và cần làm ngay nhất đó là việc phải có những tuyên truyền rộng rãi đối với xã hội về tất cả những đối tượng có liên quan trong câu chuyện này. Để mọi người hiểu về pháp luật, hiểu về trách nhiệm và hiểu về những cái nếu họ không tuân thủ họ phải chịu sự xử lý như thế nào.

Trong thực tế, tôi cũng nghĩ khi thực hiện cuộc gọi rác, có rất nhiều người đang quấy rối nhưng họ không biết họ quấy rối. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền là việc chúng tôi coi rất quan trọng để góp phần giải quyết tình trạng hiện nay.

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền

Video: Xuân Quý, Đức Yên, Bạt Tuấn, Thuý Hồng, Huy Phúc

email: gocnhinthang@vietnamnet.vn