Biến sức ép thành "cánh tay nối dài" hoàn thành mục tiêu
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết cả thế giới và trong nước đều vẫn đang phải đối phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam được đánh giá đã thành công trong cuộc chiến này.
Thành công này là do hệ thống Đảng, Nhà nước lãnh đạo, có lực lượng y tế, bộ đội, công an đồng hành với nhân dân tạo ra sự đồng thuận. “Chúng ta có phương thức tổ chức từ truyền thông truyền thống với áp phích, pano tới báo chí và mạng xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra sự đồng thuận cả xã hội”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Trong vai trò xung kích của báo chí, Phó Thủ tướng kể về một trong những người sớm bị nhiễm bệnh Covid-19 là phóng viên, hay những phóng viên sẵn sàng “xông” vào bệnh viện tác nghiệp cùng bác sĩ, bệnh nhân. Ông đánh giá, nhiều năng lượng tích cực được báo chí “khơi dậy, thổi lên và lan tỏa”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị |
“Năng lượng tích cực, những giá trị lâu nay bị đời thường che mờ, bây giờ được khơi sáng lên. Mọi người Việt Nam yêu nước hơn, tin Đảng, tin chính quyền. Cộng đồng quốc tế nhìn về Việt Nam với con mắt khác khi hình ảnh, vị thế được nâng lên”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Nhờ những giá trị đích thực, sự sáng tạo của xã hội và nhân dân nên Việt Nam "có nhiều thứ chiếm sóng" truyền thông thế giới. “Nếu không có sự đóng góp chuyên nghiệp của đội ngũ báo chí, chúng ta không thể có được sự lan tỏa như vậy”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tất cả công việc của Chính phủ đều được thực hiện tốt bởi sự tham gia của báo chí. Không chỉ phản ánh, phổ biến để tạo sự đồng thuận, báo chí tiếp tục là kênh tư vấn phản biện, góp ý cho Chính phủ.
Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến báo chí, có những vấn đề các báo đã gặp trực tiếp, gửi thư góp ý cho Phó Thủ tướng. Báo chí đã tuyên truyền, tiếp thu nhiều ý kiến liên quan góp ý xây dựng chiến lược phát triển KT-XH, dự thảo kế hoạch 5 năm tới đây.
Trực tiếp phụ trách các vấn đề văn hóa xã hội, Phó Thủ tướng bày tỏ: “Từng ngày báo chí đã chú ý hơn đến văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học… những vấn đề nền tảng ở các nước đang phát triển do bị sức ép về tăng trưởng kinh tế không được chú ý”.
Nói về thách thức báo chí đang gặp phải trong cơ chế tự chủ, Phó Thủ tướng cho rằng tự chủ là cần thiết nhưng phải có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ kèm theo điều kiện thực hiện cho các cơ quan báo chí.
Về quy hoạch báo chí, Phó Thủ tướng nhận định cơ bản đã thực hiện tốt, sau 2 năm sẽ đánh giá lại để kiến nghị, điều chỉnh cần thiết phù hợp với sự phát triển của báo chí.
Phó Thủ tướng mong muốn: “Báo chí sẽ tiếp tục tận dụng được thế mạnh của công nghệ mới trước sức ép của mạng xã hội, Internet, cùng nhau biến sức ép tạo ra các giải pháp, biến thành "cánh tay nối dài" hoàn thành mục tiêu. Điều này cần sự vào cuộc của các cơ quan của Chính phủ”.
Phó Thủ tướng lưu ý, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự góp ý có tính phản biện của xã hội thông qua báo chí. “Cần có hình thức sao cho việc góp ý sôi nổi, phản biện được các vấn đề, huy động sức mạnh toàn dân xây dựng Chính phủ hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn”, ông nói.
Nhiệm vụ "bình thường" trong trạng thái "bình thường mới"
Năm 2020, báo chí đối mặt với nhiều khó khăn khi đại dịch Covid-19 vẫn đang là thách thức lớn với sự bùng nổ thông tin trên không gian mạng. Độc giả có cơ hội tiếp cận đa dạng hơn nguồn tin tức trên nhiều nền tảng, nhưng cũng kéo theo hệ lụy là nội dung không mang giá trị nào trong đời sống.
Phát biểu tham luận về vấn đề này tại hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2020, Tổng Biên tập báo VietNamNet Phạm Anh Tuấn cho rằng, dù không muốn nhưng cũng phải thừa nhận hiện trạng này đang tồn tại ở một số tờ báo, vẫn còn những bài viết vô thưởng vô phạt, những câu chuyện tồi tệ khiến độc giả có cảm giác mất niềm tin.
Ông nêu, VietNamNet với 3 tiêu chí định hình và trở thành chiến lược văn hóa trong việc tuyên truyền người tốt việc tốt.
Tổng Biên tập báo VietNamNet phát biểu tham luận |
"Luôn bắt đầu một ngày mới bằng câu chuyện tử tế, lan tỏa năng lượng tích cực". Định hướng này ngày càng được khẳng định xuyên suốt dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng TT&TT. Mỗi sáng độc giả có ít nhất một câu chuyện tích cực như một nguồn năng lượng mới để bắt đầu một ngày mới đầy hứng khởi.
Với hơn 600 bài báo trong một năm qua của chuyên mục “Chuyện tử tế”, VietNamNet đã giới thiệu nhiều tấm gương điển hình nhưng rất đỗi bình dị.
Trong công tác tuyên truyền, phát hiện những nhân vật sáng tạo, tiếp sức cho họ để có những đóng góp giá trị cho xã hội, xây dựng đất nước. Đề cao những tấm gương trong dòng chảy thời cuộc.
Những điều tốt đẹp chưa bao giờ bị lãng quên, đặc biệt trong khó khăn, tình người tương trợ lẫn nhau lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có thể thấy không thiếu người tốt để báo chí viết. Điều này trong định hướng mỗi tờ báo. Với sự kiên định tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, VietNamNet đã chọn ra 14 nhân vật và vinh danh gương mặt trong năm, qua đó lan tỏa năng lượng tích cực.
“Không ai mỗi sớm thức dậy lại không muốn nhìn một thiên nhiên đẹp đẽ, một gương mặt thân thiện, một hành động ấm áp. Với mỗi bài báo chứa đựng điều tốt đẹp là khởi đầu cho một ngày mới đầy niềm tin và hy vọng. Đây là như là những hạt mầm nhân văn gieo xuống cánh đồng sẽ chỉ có yêu thương và hạnh phúc”, Tổng Biên tập VietNamNet bày tỏ.
Chia sẻ về chủ đề báo chí góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển KT-XH, Tổng Biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho rằng, dù đại dịch có xảy ra hay không, thông tin tuyên truyền về KT-XH vẫn là hoạt động cốt lõi của một cơ quan báo chí. Sự vận hành của nền kinh tế, các yếu tố thay đổi trong môi trường đầu tư kinh doanh cùng năng suất, chất lượng, hiệu quả của các doanh nghiệp, doanh nhân và các tác động đến đời sống, lao động việc làm, an sinh xã hội...
Các đại biểu dự hội nghị |
Đó vẫn luôn được coi là những nhiệm vụ "bình thường" của một tờ báo kinh tế và chỉ đòi hỏi cách tiếp cận "bình thường" nếu không có diễn biến đặc biệt.
Theo kết quả khảo sát của công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov (Anh) về mức độ tín nhiệm đối với truyền thông tại một số quốc gia liên quan đến đưa tin Covid-19 cho thấy 90% số người Việt được hỏi tin tưởng vào truyền thông trong nước.
Thủ tướng cũng đã khẳng định những đóng góp to lớn, trực tiếp của lĩnh vực truyền thông, thông tin, báo chí đã góp phần vào thành công bước đầu chống dịch Covid-19 của Việt Nam.
Thành Nam
Thu hồi 103 giấy phép hoạt động báo chí theo quy hoạch
Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 được khai mạc sáng nay (31/12) tại TP Hạ Long (Quảng Ninh).